Nhịp sống số

Cấy công nghệ vượt bậc vào não: Chỉ cần suy nghĩ đã có thể đăng tin trên Facebook và Youtube

Đông Quân 05/05/2025 12:48

Nhờ công nghệ này, bệnh nhân liệt ALS có thể chỉnh sửa và đăng thông tin lên các nền tảng mạng xã hội chỉ bằng suy nghĩ.

Bradford Smith dùng suy nghĩ để chỉnh sửa video

Tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ đã giúp những điều tưởng chừng chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng trở thành hiện thực. Bradford Smith – một bệnh nhân mắc bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) hiện là người thứ ba được cấy ghép chip Neuralink, cho phép anh sử dụng suy nghĩ để điều khiển máy tính, chỉnh sửa video và thậm chí tự đăng tải lên YouTube, Facebook... mà không cần sự hỗ trợ từ người khác.

cấy chip vào não
Công nghệ càng ngày càng phát triển, việc cấy chip vào não thời điểm hiện tại đã hết bất khả thi

ALS là bệnh lý nghiêm trọng khiến người mắc dần mất khả năng vận động và giao tiếp. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của giao diện não – máy tính (BCI) do Neuralink phát triển, Smith có thể điều khiển chuột, trình bày nội dung và tương tác với máy tính thông qua những tín hiệu thần kinh vận động.

Chip nhỏ nhưng đầy tiềm năng

Theo mô tả của Smith, thiết bị BCI nhỏ gọn như năm đồng xu xếp chồng lên nhau, gồm nhiều sợi điện cực mảnh được cấy ghép vào vùng vỏ não vận động thông qua robot để đảm bảo độ chính xác tối đa và hạn chế rủi ro tổn thương mạch máu. Không giống những công nghệ đọc ý nghĩ toàn diện, BCI của Neuralink tập trung vào các tín hiệu não bộ liên quan đến chuyển động có chủ đích, như hành động di chuyển tay hoặc lưỡi.

Ban đầu, Smith cố gắng điều khiển con trỏ bằng cách tưởng tượng di chuyển tay, nhưng hệ thống phản hồi không tốt. Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm kỹ sư phát hiện cử động lưỡi trong suy nghĩ cho kết quả điều khiển ổn định và chính xác hơn. Đây là ví dụ cho thấy công nghệ hiện nay không chỉ đòi hỏi phần cứng mạnh mẽ, mà còn cần thích nghi linh hoạt với từng bệnh nhân cụ thể.

Không chỉ dừng lại ở khả năng điều khiển máy tính, Smith còn có thể trình bày nội dung bằng chính giọng nói của mình, dù hiện tại anh không còn khả năng phát âm. Điều này được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của công nghệ AI. Nhóm kỹ sư đã thu thập các đoạn ghi âm và video trước khi anh mắc bệnh để huấn luyện mô hình AI, từ đó tổng hợp giọng nói cá nhân hóa cho Smith.

Không chỉ Smith: Neuralink mở ra cánh cửa công nghệ mới

Bradford Smith không phải là người đầu tiên hưởng lợi từ công nghệ của Neuralink. Trước đó, vào tháng 2/2024, bệnh nhân đầu tiên được cấy chip Neuralink đã có thể dùng suy nghĩ để di chuyển chuột máy tính, chơi cờ vua và Civilization 6. Đến tháng 7/2024, người thứ hai có thể sử dụng phần mềm thiết kế (CAD) để tạo phụ kiện sạc cho máy in 3D và chơi Counter-Strike 2 – một trò chơi đòi hỏi phản xạ cao.

Những kết quả này cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ BCI vào đời sống thực đang dần được hiện thực hóa, không còn dừng ở lý thuyết phòng thí nghiệm. Theo các chuyên gia, những giao diện như thế có thể trở thành công cụ hỗ trợ quan trọng cho người khuyết tật, giúp họ tiếp cận việc học tập, làm việc và giải trí một cách bình đẳng hơn.

Hướng tới tương lai hợp nhất giữa con người và AI

Neuralink được thành lập vào năm 2016 bởi tỷ phú Elon Musk với mục tiêu phát triển giao diện não – máy tính để giúp con người hợp nhất với AI trong tương lai. Mục tiêu xa hơn là tạo ra sự kết nối giữa trí não con người và máy móc nhằm mở rộng năng lực nhận thức và kiểm soát thiết bị công nghệ.

Tháng 12/2022, Elon Musk từng tuyên bố sẵn sàng cấy chip vào cơ thể khi công nghệ đủ an toàn để áp dụng đại trà. Dù tuyên bố gây tranh cãi, nó thể hiện rõ tham vọng định hình lại tương lai loài người bằng cách rút ngắn khoảng cách giữa sinh học và công nghệ số.

Hiện nay, không chỉ có Neuralink, mà còn nhiều công ty khác như Synchron, Paradromics hay Blackrock Neurotech cũng đang phát triển các hệ thống BCI nhằm đưa công nghệ não – máy thành giải pháp y tế và mở rộng ứng dụng sang các lĩnh vực khác như giáo dục, nghiên cứu thần kinh và thậm chí là giải trí.

Đông Quân