Kiến thức

Thế hệ Gen Z bỏ giảng đường, đổ xô học làm giàu với khẩu hiệu: "Giáo sư nghèo" thì dạy ai?

Ngọc Linh 05/05/2025 12:39

Trong bối cảnh niềm tin vào đại học suy giảm, các khóa học làm giàu kiểu Gadzhi, Alexander tại Mỹ đang thu hút Gen Z bằng lời hứa thành công nhanh chóng.

Cơn sốt khóa học làm giàu và cuộc khủng hoảng định hướng của người trẻ

Những năm gần đây, xu hướng “bỏ đại học để làm giàu” đang nở rộ trong một bộ phận giới trẻ Mỹ, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Những khóa học trực tuyến với lời hứa làm giàu nhanh chóng, rẻ hơn và dễ hơn đại học truyền thống đang thu hút hàng chục nghìn người trẻ, phần lớn là nam giới tuổi đôi mươi. Trong khi đó, niềm tin vào hệ thống giáo dục đại học lại suy giảm rõ rệt, theo kết quả thăm dò từ Gallup và Pew năm 2024.

HỌC LÀM GIÀU
Người Mỹ đang dần đi theo những khóa học làm giàu nhưng "chưa chắc đã giàu"

Trường hợp của Nehemiah Jordan – một sinh viên Mỹ từng ôm giấc mộng trở thành đạo diễn là một ví dụ tiêu biểu. Khi cơ hội thực tập tại Hollywood khép lại, Jordan tìm đến Closer Cartel, một khóa học bán hàng trực tuyến hứa hẹn đưa người học đến với sự giàu có nhanh hơn bất kỳ bằng cấp nào. Trên trang web của mình, Closer Cartel quảng bá: “Thay vì nghe những giáo sư nghèo rao giảng về cuộc sống tầm thường, bạn sẽ học hỏi từ những người đang sống cuộc đời mơ ước.”

Không lâu sau đó, Jordan tiếp tục được dẫn dắt vào các khóa học đắt tiền hơn như của Iman Gadzhi – một YouTuber 25 tuổi nổi tiếng với hơn 5,5 triệu người theo dõi, đồng thời là nhà sáng lập một “đế chế” khóa học trực tuyến về khởi nghiệp và bán hàng. Gadzhi nổi bật với quan điểm bài xích đại học, gọi đó là “cái hố tiền”, “nô lệ hiện đại” và tuyên truyền mạnh mẽ rằng bỏ học mới là con đường đúng đắn để làm giàu.

Jordan sau cùng trở thành huấn luyện viên trong hệ thống khóa học của Gadzhi, tiếp tục lôi kéo người trẻ khác theo mô hình tương tự. Điều này phản ánh rõ một làn sóng tư tưởng mới đang hình thành trong một bộ phận thanh niên Mỹ: nghi ngờ vai trò của giáo dục chính quy và tin vào khả năng tự thân làm giàu qua mạng.

Đại học không còn là lựa chọn “an toàn”

Cuộc thăm dò của Gallup năm 2024 cho thấy chỉ 36% người được hỏi có "rất nhiều" niềm tin vào đại học – mức giảm mạnh so với 57% vào năm 2015. Đồng thời, Pew cũng ghi nhận chỉ 22% người Mỹ cho rằng việc học đại học là “đáng giá” nếu phải vay nợ để chi trả.

Thế hệ Gen Z – sinh ra trong kỷ nguyên mạng xã hội, AI và đại dịch có cái nhìn hoàn toàn khác về “thành công tài chính”. Nhiều người kỳ vọng mức thu nhập hàng năm gần 600.000 USD và tài sản ròng 10 triệu USD mới được coi là “giàu có”, cao gấp nhiều lần so với thu nhập trung bình tại Mỹ. Những kỳ vọng này góp phần làm gia tăng sự hấp dẫn của các khóa học làm giàu kiểu mới – nơi họ tin rằng có thể học cách kiếm tiền nhanh chóng, thậm chí làm chủ doanh nghiệp chỉ sau vài tháng.

Giáo sư Jon Shelton từ Đại học Wisconsin cho rằng sinh viên ngày nay không còn mặn mà với việc đọc sách hay học lý thuyết thuần túy. Họ muốn học để kiếm việc làm nhanh, tăng thu nhập, và đạt sự ổn định tài chính càng sớm càng tốt. Khi đại học không thể đáp ứng kỳ vọng ấy, người trẻ dễ tìm đến các giải pháp thay thế dù thiếu tính kiểm chứng.

“Bậc thầy” của thế hệ làm giàu nhanh

Sự thành công của các nhân vật như Luke Alexander hay Iman Gadzhi cho thấy mạng xã hội đang tạo ra những “giáo sư kiểu mới” – trẻ tuổi, thành đạt sớm và nổi tiếng. Những khóa học họ bán thường không chỉ hướng đến kiến thức kinh doanh, mà còn là lối sống: tránh chất kích thích, bỏ mạng xã hội, thoát ly bạn bè, tập trung làm giàu.

Iman Gadzhi
"Chuyên gia thao túng tâm lý" Iman Gadzhi

Theo nhà báo Miles MacClure – người từng bỏ ra 37 USD/tháng để theo học khóa Digital Launchpad, nội dung trong khóa học phần lớn là khẩu hiệu sáo rỗng. Tuy vậy, cộng đồng học viên lại hoạt động sôi nổi, phân cấp theo mức phí, và thường xuyên chia sẻ ảnh chụp thu nhập làm bằng chứng cho sự “thành công”.

Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng nhiều khóa học dạng này thực chất lợi dụng nỗi lo bất định tài chính và khủng hoảng bản sắc ở nam giới trẻ tuổi. Hình ảnh siêu xe, biệt thự, phụ nữ quyến rũ thường xuyên xuất hiện để kích thích tâm lý khao khát làm giàu mà không cần hệ thống giáo dục chính quy.

Đại học vẫn là khoản đầu tư dài hạn

Dù vậy, không phải ai cũng từ bỏ đại học. Jordan sau cùng quyết định hoàn tất chương trình cử nhân vì nhận ra môi trường số không thể thay thế được trải nghiệm sống, học tập và trưởng thành trong môi trường đại học. Cậu nói: “Được ở cạnh những người cùng độ tuổi, cùng giai đoạn trưởng thành là thứ mà đại học mang lại, môi trường online khó thể sao chép.”

Tuy nhiên, Jordan cũng chia sẻ sự thất vọng vì cảm thấy đại học thiếu định hướng thực tế: “Chúng ta đang học gì? Xây dựng kỹ năng nào? Mọi thứ dường như rất mơ hồ.”

Theo GS David Deming (ĐH Harvard), đại học cần thay đổi để theo kịp kỳ vọng của người trẻ, nhưng ông vẫn nhấn mạnh rằng bằng cấp là một khoản đầu tư đáng giá. Năm 2023, thu nhập trung bình của người có bằng đại học tại Mỹ là 60.000 USD/năm, trong khi người chỉ tốt nghiệp phổ thông chỉ đạt 36.000 USD. Ở độ tuổi trung niên, thu nhập của người học đại học cao hơn tới 70%.

Ngọc Linh