Chứng khoán tháng 5: "Gió sẽ đổi chiều"?
Sau tháng 4 nhiều biến động, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng phục hồi nhờ định giá hấp dẫn, dòng tiền trở lại, kết quả kinh doanh quý I tích cực và hệ thống KRX đi vào vận hành, hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại tháng 4 với nhiều biến động mạnh, bị chi phối bởi các yếu tố địa chính trị và chính sách thương mại toàn cầu. Điểm nhấn lớn nhất là việc Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng lên hàng hóa từ hàng chục quốc gia, trong đó có Việt Nam, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng và chỉ số VN-Index ghi nhận nhịp điều chỉnh mạnh.

Tuy nhiên, các tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng như việc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt, Việt Nam chính thức khởi động đàm phán thuế quan với phía Mỹ, cùng với thông tin hệ thống công nghệ thông tin mới KRX sẽ chính thức đi vào vận hành từ ngày 5/5 đã góp phần giúp tâm lý thị trường ổn định hơn.
Kết thúc tháng 4, chỉ số VN-Index giảm 80,5 điểm, tương đương mức giảm 6,1%, tích lũy quanh vùng 1.200 – 1.240 điểm. Mặc dù thị trường điều chỉnh mạnh, thanh khoản vẫn tăng mạnh cho thấy dòng tiền vẫn duy trì sự hiện diện. Cụ thể, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trong tháng 4 đạt 21.800 tỷ đồng, tăng 20,4% so với tháng 3. Diễn biến này phản ánh việc nhà đầu tư vẫn chủ động giải ngân khi thị trường rơi vào vùng giá hấp dẫn, đặc biệt trong những phiên rung lắc mạnh.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN nhận định chỉ số VN-Index hiện đang duy trì trên đường trung bình 20 phiên (khoảng 1.217 điểm), cho thấy khả năng kết thúc nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Trong kịch bản tích cực, chỉ số có thể hướng đến vùng kháng cự 1.230 – 1.240 điểm trong tuần đầu tháng 5.
Với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, nhóm chuyên gia này khuyến nghị có thể cân nhắc giải ngân từng phần ở các phiên rung lắc, tập trung vào các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận, được định giá hấp dẫn và có cổ tức tiền mặt cao. Nhóm ngành được ưu tiên bao gồm ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công và bán lẻ – những lĩnh vực có khả năng hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế và chi tiêu công.
Trong khi đó, với những nhà đầu tư ưa thích sự an toàn, việc tiếp tục quan sát diễn biến thuế quan và chuẩn bị các kịch bản quản trị rủi ro phù hợp là điều cần thiết, nhằm hạn chế tác động từ các yếu tố ngoại biên khó lường.
Về góc nhìn định giá, chuyên gia tại Công ty Chứng khoán MBS cho rằng hiện tại thị trường đang ở mức hấp dẫn. Cụ thể, P/E hiện tại của VN-Index là 13,7 lần, thấp hơn 19% so với mức trung bình kể từ năm 2020. Mức định giá này được đánh giá là tiềm năng cho các nhà đầu tư trung và dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.
Đáng chú ý, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025 và kỳ đại hội cổ đông đang diễn ra sôi động, là yếu tố hỗ trợ giúp nhà đầu tư đánh giá lại cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, khối ngoại đã trở lại mua ròng trong tuần đầu tháng 5 sau chuỗi thời gian dài bán ròng, cũng là tín hiệu tích cực đối với thị trường trong ngắn hạn.
Ông Đào Hồng Dương – Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu tại Công ty Chứng khoán VPS – chia sẻ rằng những nhóm ngành tiềm năng trong thời gian tới có thể bao gồm ngân hàng, công nghệ thông tin, bán lẻ, tài nguyên cơ bản, tiêu dùng và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng định giá cần trở lại mức hợp lý để trở thành cơ hội thực sự, bởi mặt bằng giá của nhiều nhóm ngành đã phản ánh phần lớn kỳ vọng trong ngắn hạn.
Theo ông Dương, đây là thời điểm nhà đầu tư nên sàng lọc kỹ doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, kết quả kinh doanh tăng trưởng bền vững và định giá chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng. Việc theo sát các chỉ báo kỹ thuật và đặc điểm ngành nghề cụ thể sẽ là yếu tố quan trọng để lựa chọn cổ phiếu phù hợp cho mục tiêu đầu tư trung dài hạn.