Mùi báo giấy!
Từ mùi mực in nồng đượm, những đêm trắng lặng lẽ bên ánh đèn, đến khoảnh khắc chia báo giữa sương sớm Bờ Hồ... báo giấy đã trở thành biểu tượng thầm lặng của một thời làm báo vất vả nhưng đầy đam mê. Trong guồng quay công nghệ, ký ức ấy càng lắng lại – mộc mạc mà thiêng liêng.
.png)
Có một mùi hương mà chỉ những người làm báo giấy lâu năm mới hiểu. Một mùi ngai ngái, nồng nàn của giấy mới, mực in, và cả của sự hy sinh thầm lặng. Đó là mùi báo giấy – mùi của những tháng năm tuổi trẻ tôi đã sống hết mình trong từng bản tin, từng số báo.
Tôi bước chân vào nghề báo trong thời hoàng kim của báo in – khi mỗi sớm Hà Nội còn chưa thức giấc, người ta đã chen nhau đi mua tờ báo mới nhất vừa ra lò. Ngày ấy, báo chưa được cập nhật từng phút như báo điện tử bây giờ, nhưng lại được độc giả chờ đợi từng trang, nâng niu từng dòng chữ.
Tôi còn nhớ rõ những lần trực báo trắng đêm, dưới ánh đèn vàng vắt vẻo của phòng biên tập, tiếng lật bản mo lách cách xen lẫn tiếng gõ bàn phím đều đặn. Đêm ấy, ta gọt từng câu chữ, săm soi từng lỗi dấu chấm phẩy, đôi khi tranh luận hơn mức bình thường vì một tiêu đề chưa "xuống tông".

Đến tầm 2, 3 giờ sáng, khi thành phố chìm trong giấc ngủ, bản bông cuối cùng được gửi đến nhà in, chúng tôi lại tất bật chuyển địa điểm – từ toà soạn ra nhà in nhà in Quân Đội. Mùi mực, mùi giấy, mùi máy móc dầu nhớt, tất cả hòa quyện thành một bản giao hưởng của nghề. Đôi lúc, tôi nhắm mắt lại giữa xưởng in ầm ĩ, để hít sâu mùi mực còn bốc hơi – như hít vào cả niềm tự hào lẫn mỏi mệt của nghề báo.
Tầm 4 giờ sáng, từng chồng báo còn hơi ấm vừa được cắt xén. Khi ấy, khung cảnh nhà in bỗng trở nên rộn ràng, náo nhiệt. Nhà phát hành, đại lý bán lẻ, người chở báo, người vận chuyển,… chen chúc nhau, tiếng nói cười rôm rả, tiếng máy chạy cắt báo xè xè hòa quyện trong bầu không khí ngái ngủ nhưng đầy sinh khí.

Họ tỏa đi khắp thành phố, và điểm hẹn quen thuộc nhất vẫn là quanh Bờ Hồ, phố Hàng Trống, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng, hay phố Trịnh Hoài Đức… nơi những ngọn đèn đường mờ ảo vàng vọt rọi lờ mờ bóng người. Người chia báo cặm cụi trong bóng tối, chỉ cần ánh đèn đủ để thấy con số từng loại báo đã được đặt trước. Tên từng đầu báo được hô lên, phân chia nhanh gọn, ai nấy đều rành mạch như người học thuộc bài.
Chỉ chừng hai tiếng đồng hồ tất bật, đến 6 giờ sáng, những tờ báo ấy đã ngay ngắn trên từng sạp báo khắp phố phường. Lúc đó, người Hà Nội dậy sớm đi làm, đưa con đi học, ghé ăn phở, uống cà phê… vẫn không quên dừng lại bên sạp báo quen để chọn cho mình tờ báo thân thuộc. Cứ như vậy, những tờ báo len lỏi vào từng quán trà đá, quán bún riêu, quán cà phê cóc – nơi người ta như đang nhâm nhi từng con chữ.
Đó là một thói quen đẹp – một nhịp sống rất Hà Nội, hối hả mà nhân văn.

Làm báo thuở ấy là một cuộc chạy đua đầy yêu thương – vừa tất bật trong guồng quay tin tức, vừa lặng lẽ nâng niu từng dòng chữ. Có lúc phải gấp gáp để kịp bản tin nóng hổi, nhưng lại không cho phép mình cẩu thả dù chỉ một dấu chấm, dấu phẩy. Vất vả là thế, trắng đêm là thế, nhưng mỗi sớm mai nhìn tờ báo trên tay bạn đọc, lòng lại rưng rưng tự hào – vì biết rằng mình vừa góp một tiếng nói nhỏ bé vào nhịp sống của xã hội.
Giờ đây, chỉ một cái chạm tay trên màn hình điện thoại là có thể mở ra cả trăm đầu báo, thông tin hiện lên nhanh chóng, tiện lợi đến mức tưởng như không còn gì để đợi chờ. Nhưng cũng chính sự tiện nghi ấy mà báo giấy không còn “đất diễn”, nhường lại ánh đèn sân khấu cho thời đại số. Những sạp báo từng nhộn nhịp nơi góc phố, những người bán báo dạo gắn bó với nghề hàng chục năm đã dần đi vào quên lãng.
Tôi nhớ lần quay lại phố Giảng Võ, nơi trước kia có một sạp báo nhỏ mà sáng nào tôi cũng ghé qua. Giờ đây, chỉ còn lại bức tường cũ phủ màu thời gian, một vài mảnh hồi ức vụn vỡ lẫn trong bụi gió. Người chủ sạp nay đã già và cũng đã đổi nghề, chị chép miệng nói: “Giờ hiếm người đọc báo giấy lắm em ơi...”. Tôi đứng đó thật lâu, như lặng đi trước sự mất mát không ồn ào, nhưng âm ỉ, như thể vừa đánh rơi một mảnh ký ức thân thương.

Có lẽ với các bạn trẻ hôm nay, báo giấy chỉ là một hình thức truyền thông đã phai nhạt. Nhưng với tôi – và có lẽ với nhiều đồng nghiệp cùng thời – báo giấy không đơn thuần là một phương tiện mang tin tức, mà là biểu tượng của một thời tận hiến. Là mồ hôi của những đêm trực, là giấc ngủ chập chờn trong tiếng máy in, là trái tim thao thức với từng trang báo được gọt giũa thâu đêm.

Tôi vẫn giữ một thói quen đi qua những sạp báo còn sót lại, mua một vài số báo thân thuộc. Vẫn yêu cái cảm giác khẽ lật từng trang báo trong làn sương sớm, vẫn say mùi giấy mới quyện trong hương cà phê vỉa hè. Và trong khoảnh khắc ấy, tôi như được gặp lại chính mình – người từng ngồi thâu đêm, miệt mài với từng dòng tin, từng tiêu đề, chỉ vì một điều giản dị mà thiêng liêng - niềm tin rằng báo chí là điều cao đẹp.