Giá vàng hôm nay 4/5/2025: Trước giờ G, nên tận dụng hay chờ thêm?
Thị trường vàng sắp giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Khi xu hướng giá vàng chưa rõ ràng, lựa chọn “mua vào” hay “đứng ngoài” trở thành câu hỏi lớn.
Giá vàng trong nước
Thị trường vàng trong nước gần như không ghi nhận sự thay đổi nào về giá bán và giá mua tại các hệ thống kinh doanh vàng lớn những phiên gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các doanh nghiệp vàng bạc đá quý tạm ngừng giao dịch trong kỳ nghỉ lễ kéo dài đến hết ngày hôm nay 4/5.

Theo các mức giá được cập nhật trước kỳ nghỉ lễ, vàng miếng SJC vẫn được niêm yết ổn định ở nhiều đơn vị lớn như PNJ, DOJI hay Bảo Tín Minh Châu, dao động quanh mức 119,30 – 121,30 triệu đồng mỗi lượng (chiều mua vào – bán ra). Một số chênh lệch nhỏ xuất hiện tại hệ thống Phú Quý khi giá mua vào thấp hơn, chỉ ở mức 118,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán vẫn giữ mức 121,3 triệu đồng/lượng.
Đối với dòng sản phẩm vàng nhẫn, thị trường ghi nhận mức giá từ 114,00 – 116,50 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tại hệ thống PNJ, sản phẩm Kim Bảo 999.9 được giao dịch trong khoảng 112,00 – 116,00 triệu đồng/lượng.
Một số doanh nghiệp nhỏ hơn như Bảo Tín Mạnh Hải cũng giữ giá ổn định trong kỳ nghỉ lễ. Tại đây, vàng nhẫn ép vỉ thương hiệu Kim Gia Bảo hiện có giá mua vào 116,45 triệu đồng/lượng và bán ra 119,65 triệu đồng/lượng.
Giá vàng quốc tế
Tuần qua, thị trường vàng toàn cầu tiếp tục trải qua một giai đoạn đầy biến động với xu hướng đi xuống rõ nét. Giá vàng giao ngay mở đầu tuần ở mức 3.326,84 USD/ounce nhưng nhanh chóng lao dốc, chốt tuần ở mức 3.231,59 USD/ounce, tương đương mức giảm 2,27%. Nếu tính từ đỉnh gần nhất được xác lập ngày 22/4 (3.500,05 USD/ounce), giá vàng thế giới đã mất tới 2,6%.
Áp lực giảm chủ yếu đến từ sự thay đổi tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, khi nhu cầu đối với tài sản rủi ro bắt đầu quay trở lại. Những tín hiệu tích cực từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung như việc hai bên thể hiện thiện chí đối thoại về thuế quan đã giúp giảm bớt lo ngại địa chính trị, khiến vàng – kênh trú ẩn truyền thống – phần nào mất sức hút.
Thị trường lao động Mỹ cũng phát đi tín hiệu khả quan khi số việc làm phi nông nghiệp tăng 177.000, vượt xa dự báo 130.000 của giới phân tích. Dù còn quá sớm để đánh giá tác động toàn diện của chính sách thuế quan, nhưng dữ liệu này đang góp phần củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất.
Ở góc độ cung – cầu, nhu cầu vàng vật chất có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi người dân Ấn Độ tranh thủ mua vào nhân mùa lễ hội Akshaya Tritiya khi giá điều chỉnh giảm, thì hoạt động tại thị trường Trung Quốc tạm thời chững lại do kỳ nghỉ Quốc tế Lao động kéo dài đến ngày 5/5. Tuy nhiên, theo Hội đồng Vàng Thế giới, dòng vốn vào các quỹ ETF vàng tại Trung Quốc trong tháng 4 vẫn tăng mạnh, vượt cả Mỹ, cho thấy lực cầu dài hạn vẫn hiện hữu.
Dự báo giá vàng
Khảo sát mới nhất của Kitco News cho thấy giới chuyên gia vẫn chia rẽ về xu hướng sắp tới của giá vàng. Dù phần lớn nhà đầu tư cá nhân vẫn giữ kỳ vọng tích cực, các tổ chức và chuyên gia lại tỏ ra thận trọng hơn.
Ông Adrian Day – Chủ tịch Adrian Day Asset Management – cho rằng mức giảm hơn 7% trong chưa đầy hai tuần là đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng suy thoái kinh tế Mỹ chưa rõ ràng và căng thẳng thương mại hạ nhiệt.
Một số chuyên gia khác như ông Fawad Razaqzada (StoneX Bullion) và ông Darin Newsom (Barchart.com) đều nhận định xu hướng ngắn hạn nghiêng về giảm giá, với khả năng vàng sẽ lùi về vùng 3.150 – 3.000 USD/ounce nếu tâm lý lạc quan về chứng khoán và các thỏa thuận thương mại tiếp tục lan rộng.
Tuy nhiên, vẫn có quan điểm ngược chiều. Ông Rich Checkan từ Asset Strategies International cho rằng thị trường đang phản ứng quá đà, và dữ liệu kinh tế Mỹ kém lạc quan gần đây có thể khiến Fed lo ngại, từ đó thúc đẩy vàng phục hồi nhẹ.
Các nhà phân tích tại CPM Group khuyến nghị nhà đầu tư nên quan sát thêm trước khi đưa ra quyết định mua mới, nhưng với những ai đã sở hữu vàng, việc giữ vị thế và chuẩn bị mua thêm khi giá về vùng 3.000 – 3.150 USD/ounce là chiến lược có thể cân nhắc.
Dù ngắn hạn vẫn nhiều rủi ro, các yếu tố kinh tế và chính trị nền tảng vẫn đang tạo lực đỡ cho vàng trong trung và dài hạn.