Ngân hàng

Bức tranh lợi nhuận và an toàn vốn của nhóm ngân hàng “chịu chi” cổ tức tiền mặt

Nguyễn Đăng 02/05/2025 09:15

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2025, cho thấy nền tảng tài chính vững vàng và kết quả kinh doanh tích cực.

Sau nhiều năm ưu tiên tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, làn sóng ngân hàng chuyển sang chia cổ tức bằng tiền mặt đang quay trở lại một cách mạnh mẽ trong năm 2025. Đây được xem là tín hiệu tích cực, phản ánh tiềm lực tài chính vững vàng của nhiều nhà băng, đồng thời thể hiện cam kết gia tăng lợi ích cho cổ đông.

lpbank.jpg
LPBank là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất thị trường

LPBank đang là cái tên thu hút sự chú ý nhiều nhất khi Hội đồng Quản trị ngân hàng này trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lên tới 25%, mức cao nhất trong toàn ngành hiện nay. Theo kế hoạch, LPBank sẽ chi khoảng 7.468 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế để trả cho cổ đông. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đến ngày 31/3/2025 đạt 13,81%, vượt xa ngưỡng tối thiểu 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, cho thấy việc chi trả cổ tức tiền mặt không làm ảnh hưởng đến các chỉ số an toàn hoạt động.

Về kết quả kinh doanh, LPBank ghi nhận tổng tài sản cuối năm 2024 đạt 508.330 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 73% và là con số cao nhất kể từ khi ngân hàng đi vào hoạt động năm 2008. Vốn điều lệ hiện đạt gần 29.900 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chạm mốc 45.000 tỷ đồng, tạo nền tảng vững chắc để LPBank đẩy mạnh các kế hoạch phát triển trong tương lai.

Bên cạnh LPBank, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác cũng đẩy mạnh chia cổ tức tiền mặt trong năm nay. Ngân hàng VIB dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 7%, tương ứng hơn 2.085 tỷ đồng. Đây là ngân hàng đầu tiên thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt trong năm 2025. Năm 2024, mặc dù lợi nhuận trước thuế của VIB giảm còn hơn 9.000 tỷ đồng, bằng 84% so với năm trước, nhưng tổng tài sản vẫn tăng 20% lên hơn 493.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng và huy động vốn lần lượt tăng 22% và 15%, cho thấy đà tăng trưởng ổn định. Vốn điều lệ đạt gần 29.800 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023. Ngân hàng cũng giữ vững tỷ lệ nợ xấu ở mức kiểm soát được là 2,4%. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, việc lợi nhuận giảm là do VIB chủ động hy sinh lợi ích ngắn hạn để đầu tư cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Techcombank cũng tiếp tục duy trì tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt ở mức 10% trong năm 2025, tương đương 1.000 đồng mỗi cổ phiếu. Năm qua, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 27.500 tỷ đồng, lập kỷ lục mới về kết quả kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 27%, vượt mức trung bình toàn ngành. Ngân hàng cũng dẫn đầu về tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và thu nhập từ phí, đồng thời giữ vững tỷ lệ nợ xấu ở mức khoảng 1,5%. Các chỉ số an toàn vốn tiếp tục ở mức cao nhất toàn ngành, củng cố vững chắc vị thế của Techcombank trên thị trường.

Ngân hàng ACB cũng không nằm ngoài xu hướng khi thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%, trong đó 10% được chi trả bằng tiền mặt. Tính đến cuối năm 2024, ACB đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20%, thuộc nhóm ngân hàng có hiệu suất sinh lời cao nhất. Dư nợ tín dụng của ACB đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1% – vượt xa mức tăng trưởng bình quân toàn ngành. Với danh mục cho vay chủ yếu hướng đến khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ, cùng tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,39%, ACB tiếp tục khẳng định năng lực kiểm soát rủi ro. Quy mô huy động vốn đạt gần 639.000 tỷ đồng, tỷ lệ CASA tăng lên 23%, trong khi hệ số an toàn vốn hợp nhất duy trì trên 12%.

Một cái tên đáng chú ý khác là TPBank, khi ngân hàng này dự kiến chia cổ tức tiền mặt 10%, tương đương 1.000 đồng mỗi cổ phiếu. Năm 2024, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu nhập hoạt động đạt 18.038 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó thu nhập dịch vụ tăng gần 48%, cho thấy hiệu quả của chiến lược đa dạng hóa nguồn thu. Tổng tài sản của TPBank cán mốc hơn 418.000 tỷ đồng, tăng 17%, còn dư nợ tín dụng đạt 261.500 tỷ đồng, tăng hơn 20%.

Nhìn chung, việc hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần lớn công bố kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao cho thấy sức khỏe tài chính đang được cải thiện rõ rệt sau giai đoạn tập trung tăng vốn và phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh mặt tích cực, hình thức chia cổ tức tiền mặt cần được thực hiện thận trọng và cân đối với các chiến lược dài hạn như tăng vốn điều lệ và đảm bảo nguồn vốn trung dài hạn.

Sự kết hợp linh hoạt giữa cổ tức bằng tiền mặt để gia tăng lợi ích cổ đông và cổ tức bằng cổ phiếu nhằm củng cố nền tảng tài chính là xu hướng đang được nhiều ngân hàng theo đuổi. Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, sức khỏe tài chính bền vững, khả năng sinh lời ổn định và quản trị rủi ro hiệu quả sẽ là những yếu tố then chốt giúp các ngân hàng giữ vững niềm tin nhà đầu tư và duy trì tăng trưởng dài hạn.

Nguyễn Đăng