Chuyển động

Lãnh đạo Cao su Đà Nẵng (DRC) chia sẻ về kế hoạch hợp tác với VinFast

Cao Thái 01/05/2025 09:37

Cao su Đà Nẵng đang trong giai đoạn đưa ra các sản phẩm lốp tương ứng với xe điện Viìnast, đến tháng 6/2025, sản phẩm lốp xe điện của công ty sẽ được bán thương mại.

Tại ĐHCĐ thường niên 2025 vừa diễn ra, lãnh đạo Công ty CP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) nhận được câu hỏi từ cổ đông về kế hoạch hợp tác với hãng xe VinFast. Nội dung này rất được quan tâm và lãnh đạo DRC cũng đã có những chia sẻ cụ thể.

Trả lời cổ đông, lãnh đạo DRC cho biết, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kí kết hợp tác với VinFast và giao cho các công ty con, trong đó có DRC thực hiện. DRC xác nhận đã đáp ứng bước đầu các yêu cầu từ phía VinFast. Hiện tại, công ty đang chuyển sang giai đoạn thiết kế, thử nghiệm và sản xuất các dòng lốp chuyên dụng tương thích với tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho xe điện của hãng này. Theo kế hoạch, dòng sản phẩm lốp xe điện đầu tiên sẽ được DRC chính thức thương mại hóa vào tháng 6 năm nay.

mar09106-1024x683.jpg
ĐHCĐ thường niên 2025 vừa được Cao su Đà Nẵng tổ chức thành công

Để chuẩn bị cho lộ trình này, DRC đã đầu tư đáng kể cho việc cải tiến công nghệ sản xuất và tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển (R&D). Xu hướng phát triển sản phẩm lốp cho xe điện được lãnh đạo DRC nhận định là tất yếu, nhằm thích ứng với nhu cầu ngày càng tăng trong thị trường ô tô điện Việt Nam và toàn cầu.

Bên cạnh chiến lược mới, nhà máy Radial của DRC hiện đã vận hành ổn định với công suất đạt khoảng 85% trong quý 1/2025, sản xuất được 207.000 lốp dù rơi vào thời điểm nghỉ Tết. Công ty kỳ vọng sản lượng cả năm 2025 có thể đạt 800.000 lốp, thậm chí có khả năng vận hành hết công suất thiết kế.

Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đang chờ đợi. DRC cho biết, nếu Mỹ áp thuế đối ứng ở mức 30%, doanh nghiệp có thể mất tới 25% doanh thu và 30% sản lượng tại nhà máy Radial. Để bù đắp, công ty đã lên kế hoạch mở rộng tiêu thụ sang các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Kết quả kinh doanh thấp kỷ lục

Theo biên bản ĐHCĐ thường niên 2025, tại đạ hội, nhiều cổ đông tập trung chất vấn về kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý 1/2025. Một số cổ đông thẳng thắn bày tỏ, sau mười mấy năm gắn bó với DRC, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến kết quả kinh doanh quý đầu năm thấp nhất trong lịch sử công ty. Sự quan ngại càng lớn hơn khi thị trường Mỹ — vốn là thị trường chủ lực của DRC — đang gặp khó khăn lớn do tác động từ các chính sách thuế quan mới.

Quý 1/2025, lợi nhuận sau thuế của DRC chỉ đạt 9,47 tỷ đồng, giảm tới 80,76% so với cùng kỳ năm trước. Dù doanh thu tăng 21,21%, nhưng giá vốn tăng nhanh hơn – tới 29,28%, cộng với chi phí tài chính tăng mạnh 65,3% và chi phí lãi vay tăng đến 159,31%, khiến lợi nhuận bị bào mòn.

Mặc dù cổ đông ghi nhận những nỗ lực minh bạch và duy trì tỷ lệ cổ tức cao trong nhiều năm của ban điều hành, nhưng kế hoạch năm 2025 cho thấy lợi nhuận dự kiến đi ngang, dù sản lượng lốp radial toàn thép (LTR) được kỳ vọng tăng trưởng mạnh. Nhiều ý kiến đặt câu hỏi liệu biên lợi nhuận của DRC đang chịu áp lực mạnh, và các chính sách thuế mới tại Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến chiến lược kinh doanh.

Trả lời cổ đông, lãnh đạo DRC cho biết năm 2025 là giai đoạn bản lề trong kế hoạch trung hạn đến năm 2026. Công ty sẽ đẩy mạnh sản lượng dòng lốp LTR và phát triển thương hiệu DriveForce tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, dòng sản phẩm TBR (lốp xe tải nặng), từng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc Mỹ điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu. Do đó, DRC buộc phải chuyển hướng đẩy mạnh tiêu thụ vào các thị trường khác như châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

mar09193-1024x683.jpg
TGĐ DRC - ông Lê Hoàng Khánh Nhựt trả lời các ý kiên của cổ đông

Lý giải về kết quả kinh doanh giảm sâu trong quý đầu năm, DRC cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do chi phí giá vốn hàng bán tăng mạnh. Giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là cao su thiên nhiên, tiếp tục neo ở mức cao. Bên cạnh đó, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe hơn từ các thị trường xuất khẩu khiến chi phí sản xuất trung bình trên mỗi đơn vị sản phẩm gia tăng, làm suy giảm biên lợi nhuận gộp.

ĐHCĐ DRC thông qua phương án phát hành hơn 35,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành là 30%, tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 3 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ của DRC dự kiến tăng lên hơn 1.544 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành được lấy từ quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, tổng trị giá hơn 356 tỷ đồng.

Hiệu suất vận hành nhà máy radial tuy đạt khoảng 85% công suất nhưng chưa đạt tối ưu, dẫn đến chi phí cố định phân bổ cao trên từng sản phẩm. Thêm vào đó, tồn kho tăng mạnh do công ty chủ động sản xuất đón đầu các đơn hàng dài hạn, kéo theo chi phí lưu kho và chi phí tài chính phát sinh. Đặc biệt, với việc hơn 70% doanh thu phụ thuộc vào xuất khẩu, DRC chịu áp lực lớn từ cạnh tranh giá rẻ từ Trung Quốc và chính sách thuế mới tại Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng sản phẩm TBR.

Cao Thái