Vàng - Tỷ giá

Giá vàng hôm nay 1/5/2025: Nhiều người phải "thót tim"

Thu Hà 01/05/2025 06:24

Dù thị trường trong nước đang trong những ngày nghỉ lễ, giá vàng vẫn giữ mức cao kỷ lục, khoảng cách mua – bán nới rộng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng trước những biến động bất ngờ từ quốc tế.

Giá vàng trong nước

Trong ngày lễ 30/4 – dịp Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, các hệ thống kinh doanh vàng trên cả nước tạm ngưng hoạt động. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC chốt phiên trước kỳ nghỉ vẫn ở mức cao, duy trì khoảng cách chênh lệch lớn giữa giá mua và bán.

giá vàng
Dù giá vàng bất động trong ngày nghỉ lễ, dự kiến sau nghỉ lễ sẽ biến động mạnh theo chiều quốc tế

Tại thời điểm kết thúc giao dịch ngày 30/4, Tập đoàn DOJI và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC cùng niêm yết giá vàng miếng ở mức 119,3 triệu đồng/lượng mua vào và 121,3 triệu đồng/lượng bán ra. Đây cũng là mức giá được Công ty Bảo Tín Minh Châu áp dụng trong ngày. Riêng hệ thống Phú Quý đưa ra mức giá mua vào thấp hơn, chỉ 118,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra giữ nguyên ở 121,3 triệu đồng/lượng.

Bên cạnh vàng miếng, các sản phẩm vàng nhẫn tròn trơn 9999 cũng ghi nhận sự biến động đáng chú ý. Cụ thể, vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng tại DOJI được niêm yết trong khoảng 114 – 116,5 triệu đồng/lượng, trong khi Bảo Tín Minh Châu áp dụng mức giá cao hơn, từ 117,1 – 120,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trước những biến động khó lường, các chuyên gia thị trường tiếp tục cảnh báo rủi ro ngày càng gia tăng đối với nhà đầu tư cá nhân. Việc chênh lệch giá giữa hai chiều giao dịch lên tới hàng triệu đồng/lượng không chỉ phản ánh sự bất ổn của thị trường, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với những nhà đầu tư ngắn hạn theo xu hướng “lướt sóng”. Theo khuyến nghị, nhà đầu tư cần thận trọng và đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định, đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố kinh tế vĩ mô và thị trường quốc tế vẫn đang có nhiều biến động.

Giá vàng quốc tế

Thị trường kim loại quý thế giới chứng kiến sự xoay chiều liên tục trong ngày giao dịch 30/4. Vào lúc 16h45 (giờ Việt Nam), giá vàng quốc tế rơi xuống mức thấp 3.266 USD/ounce. Tuy nhiên, đến gần 1 giờ sáng ngày 1/5, giá đã phục hồi lên 3.309 USD/ounce, dù vẫn giảm 13,6 USD so với 24 giờ trước đó, theo dữ liệu từ sàn Kitco.

Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh mới nhằm làm giảm hệ lụy từ các mức thuế quan trước đó, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô. Cùng lúc, nhóm đàm phán thương mại của Nhà Trắng cho biết đã đạt được bước tiến trong các thỏa thuận thuế với một đối tác quốc tế đầu tiên.

Giới đầu tư hiện đang dõi theo các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, đặc biệt là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – dự kiến công bố cuối ngày 1/5, cùng với báo cáo việc làm vào ngày 2/5. Đây là hai yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến lập trường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách lãi suất trong thời gian tới.

Nếu dữ liệu cho thấy áp lực giá cả giảm, khả năng Fed nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu các con số vượt dự báo, kỳ vọng giảm lãi suất có thể bị lùi lại – điều có thể khiến giá vàng tiếp tục chịu áp lực giảm.

Dự báo giá vàng

Dù điều chỉnh trong ngắn hạn, vàng đang hướng đến tháng tăng thứ tư liên tiếp, với mức tăng khoảng 6% trong tháng 4. Đáng chú ý, ngày 30/4 cũng đánh dấu 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump. Các động thái chính sách khó lường từ Nhà Trắng đã khiến kim loại quý tăng hơn 20% kể từ đầu năm, củng cố vai trò là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.

Theo tính toán của tổ chức S&I Ratings, ở mức giá quanh 3.300 USD/ounce, vàng đã vượt qua S&P 500 về khả năng sinh lời kể từ năm 2023 – trở thành một trong những tài sản đầu tư hiệu quả nhất trong danh mục hàng hóa.

Chuyên gia Bernard Dahdah từ ngân hàng Natixis đánh giá việc giá vàng lùi từ đỉnh 3.500 USD/ounce là phản ứng dễ hiểu sau chuỗi tăng mạnh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump – bao gồm áp mức thuế nhập khẩu phổ thông 10% và đề xuất đàm phán giảm thuế 145% với Trung Quốc – có thể còn gây nhiều biến động trong thời gian tới.

Ông Dahdah cho rằng, nếu xuất hiện thêm các xung đột địa chính trị, không loại trừ khả năng vàng có thể chạm mốc 4.000 USD/ounce. Dù vậy, mức hỗ trợ kỹ thuật quanh 3.000 USD/ounce đang được thiết lập khá vững chắc. Ngoài ra, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt chi phối xu hướng giá trong trung và dài hạn.

Trong khi đó, ông Michael Matousek – trưởng nhóm giao dịch tại US Global Investors – nhận định rằng việc giá vàng dao động mạnh là diễn biến bình thường trong bối cảnh hiện nay. Ông kỳ vọng giá vàng có thể vươn tới 3.590 USD/ounce vào quý cuối năm, thậm chí có khả năng đạt 3.800 USD/ounce.

Một góc nhìn dài hạn được đưa ra trong báo cáo triển vọng hàng hóa mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, giá vàng trung bình trong năm 2025 dự kiến đạt khoảng 3.250 USD/ounce – tăng 36% so với bình quân năm 2024. Tuy nhiên, đến năm 2026, con số này có thể điều chỉnh nhẹ còn khoảng 3.200 USD/ounce.

WB đánh giá vàng sẽ vẫn là tài sản nổi bật nhất trong rổ hàng hóa toàn cầu trong hai năm tới. Báo cáo viết: “Trong bối cảnh bất ổn tài chính, xung đột địa chính trị và lo ngại chính sách chưa rõ ràng, nhu cầu trú ẩn bằng vàng tiếp tục duy trì ở mức cao. Nếu tình hình leo thang, giá vàng có thể vượt xa các dự báo hiện tại.”

Thu Hà