Bài học tâm lý thị trường từ cuốn sổ tay của mẹ
Mẹ tôi không biết về VN-Index, cũng không đầu tư. Nhưng tôi nghĩ mẹ vẫn có một “thị trường” riêng: Đó là thị trường nội trợ, nơi cung cầu không phải là cổ phiếu, mà là sự đủ đầy cho bữa ăn và ánh mắt con cái.
Mẹ tôi có một cuốn sổ tay, ghi chép rất cẩn thận từng đồng chi tiêu mỗi ngày: Hôm nay mua gì, còn lại bao nhiêu, cuối tháng thiếu hay dư. Tôi hỏi mẹ tại sao không dùng app cho tiện. Mẹ lắc đầu, nói: “Viết tay mới thấy rõ mình đang sống kiểu gì”.
Hôm nay là ngày giữa tháng. Trong sổ của mẹ là những con số nhỏ xíu, gọn gàng nhưng không vui. Tôi thấy mẹ cầm ví, rút ra vài tờ tiền lẻ, đếm chậm rãi rồi thở dài: “Chắc cơm chiều chỉ có rau muống luộc và trứng kho”.
Có lần tôi đùa: “Mẹ có cảm giác giống mấy ông đầu tư không? Cứ hôm nào lương về là sung sức, giữa tháng là lo cắt lỗ?”. Mẹ cười, nhưng không trả lời. Mẹ chỉ rút điện thoại, mở Zalo, xem tin nhóm chợ. Giá rau muống tăng, dầu ăn nhích nhẹ, trứng thì “vẫn cao như tuần rồi”.
Tôi nhìn mẹ – tay vẫn giữ tờ tiền, mắt vẫn tính toán mà thấy như nhìn thấy chính mình: Những ngày thị trường đỏ lửa, giá cổ phiếu rơi và tài khoản cũng rơi theo lòng tin. Giữa tháng, mẹ không tiếc những bữa ăn ngon, mà tiếc cảm giác “đủ”. Giữa thị trường, tôi không tiếc con số, mà tiếc cảm giác “mình đã tính đúng rồi”.

Buổi tối, tôi ăn cơm với mẹ. Đĩa rau luộc, chén nước mắm, món trứng kho sóng sánh màu nâu ấm. Không có sơn hào hải vị, nhưng lành. Tôi ăn chậm, cảm nhận từng đũa như thể trong những món ăn ấy, có cả quy luật thị trường nhỏ bé của mẹ: Chi tiêu thận trọng, phân bổ rủi ro, và luôn giữ lại chút “tiền mặt” trong ví cho ngày cuối tháng.
Mẹ không đọc bảng điện, không biết RSI hay MA20. Nhưng tôi tin nếu mẹ là nhà đầu tư, chắc mẹ sẽ sống sót qua mọi cú sập. Và tôi – một đứa từng nghĩ mình hiểu thị trường lại học được sự vững vàng đó từ một người phụ nữ luôn viết sổ bằng tay và đếm từng bữa cơm bằng cả trái tim của mình.