Kiến thức

Diễu binh và duyệt binh khác biệt như thế nào?

Ngọc Linh 29/04/2025 15:14

Duyệt binh và diễu binh là hai nghi lễ quân sự đặc biệt, được tổ chức vào các dịp trọng đại để biểu dương sức mạnh, kỷ luật của lực lượng vũ trang.

Duyệt binh là gì? Khi nào tổ chức?

Trong lịch sử hiện đại của Việt Nam và thế giới, duyệt binh và diễu binh không chỉ là những nghi lễ mang tính hình thức mà còn là biểu tượng rõ nét cho sức mạnh, kỷ luật và lòng yêu nước của mỗi quốc gia. Hai khái niệm này tuy thường được nhắc đến song hành, nhưng lại mang ý nghĩa và mục đích sử dụng khác nhau.

Theo Đại tá Dương Văn Thụy – nguyên Trưởng ban Tổng kết và biên soạn lịch sử, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, duyệt binh là một nghi thức quân sự trang trọng, thường được tổ chức trong các dịp trọng đại của đất nước. Đây là dịp để các lực lượng quân sự ra mắt, thể hiện tinh thần kỷ luật, khả năng phối hợp và tiềm lực chiến đấu.

Duyệt binh năm 1985
Hình ảnh lễ duyệt binh năm 1985

Thành phần tham gia duyệt binh bao gồm các lực lượng tinh nhuệ của nhiều quân, binh chủng khác nhau, như bộ binh, hải quân, không quân, lực lượng đặc công, phòng không – không quân... Ngoài vũ khí cá nhân, nhiều khí tài hiện đại cũng được trình diễn như xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, hệ thống tên lửa và thậm chí là máy bay quân sự. Tất cả được triển khai theo đội hình quy chuẩn, thể hiện sự phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng.

Mục đích chính của duyệt binh là kiểm tra, đánh giá khả năng tác chiến của quân đội, đồng thời gửi đi thông điệp về năng lực quốc phòng và sự sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để lãnh đạo cấp cao trực tiếp quan sát, đánh giá tinh thần và trình độ huấn luyện của các đơn vị tham gia.

Tại Việt Nam, các lễ duyệt binh thường diễn ra vào những ngày trọng đại như:

  • Ngày 1/1/1955: Lễ duyệt binh đầu tiên của QĐND Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
  • Ngày 2/9/1975: Lễ duyệt binh mừng đất nước thống nhất.
  • Ngày 2/9/1985: Một trong những lễ duyệt binh quy mô lớn nhất, kỷ niệm 40 năm Quốc khánh, với sự tham gia của khoảng 30.000 người.

Diễu binh và sự khác biệt so với duyệt binh

Trong khi duyệt binh tập trung vào quân đội và yếu tố tác chiến, thì diễu binh mang tính chất biểu dương, tuyên truyền rộng rãi hơn trong cộng đồng. Theo Đại tá Dương Văn Thụy, diễu binh là hoạt động di chuyển có tổ chức của lực lượng quân đội hoặc vũ trang trên đường phố hoặc quảng trường, thường đi đều bước, mang theo cờ, súng, khí tài.

diễu binh
TP.HCM sẽ tổ chức diễu binh vào 30/4/2025 sắp tới để kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Theo từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, "diễu hành là đoàn người đi thành hàng ngũ qua lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh". Như vậy, diễu binh là một hình thức của diễu hành, nhưng mang đậm tính chất quân sự.

Mục đích chính của diễu binh là cổ vũ tinh thần yêu nước, biểu dương lực lượng và tạo khí thế cho các sự kiện lớn như Quốc khánh, kỷ niệm chiến thắng, lễ hội cấp quốc gia. Khác với duyệt binh, diễu binh thường mở rộng hơn về lực lượng tham gia, có thể bao gồm cả dân quân tự vệ, lực lượng công an, học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên...

Dù khác nhau về mục đích và mức độ trang trọng, cả hai hoạt động đều góp phần khẳng định vị thế của lực lượng vũ trang trong lòng nhân dân, đồng thời nâng cao niềm tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết toàn dân.

Ngọc Linh