Mô hình mới

Người nông dân miền Tây hé lộ "bí kíp vàng" vượt nắng hạn: Vừa bảo vệ mùa màng, vừa không thất thu một đồng

Tuấn Anh 29/04/2025 14:34

Nông dân chủ động ứng phó với khô hạn, nắng nóng bằng các giải pháp khoa học – kỹ thuật mới.

Ứng dụng hệ thống tưới tự động trong chăm sóc cây trồng

Trước tình hình thời tiết khô hạn kéo dài kết hợp nắng nóng gay gắt, nhiều nông dân tại tỉnh Kiên Giang đã chủ động áp dụng các giải pháp khoa học – kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Những cách làm sáng tạo, thiết thực đã giúp nông dân bảo vệ mùa vụ, ổn định sản xuất và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Nguyễn Văn Tư (bên phải), ngụ ấp Nha Sáp, xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành)
Ông Nguyễn Văn Tư (bên phải), ngụ ấp Nha Sáp, xã Vĩnh Điều (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Tại ấp Nha Sáp, xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành), ông Nguyễn Văn Tư hiện đang chăm sóc vườn sầu riêng 3ha trong giai đoạn nuôi trái non. Để đối phó với tình trạng nắng nóng gay gắt, ông đã đầu tư lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động. Nhờ đó, việc tưới tiêu cho vườn trở nên nhanh chóng và đồng đều, đảm bảo cây sầu riêng đủ nước trong những ngày oi bức.

Bên cạnh việc tưới nước thường xuyên, ông Tư còn chủ động tuyển lựa, cắt bỏ bớt trái, chỉ giữ lại những trái phát triển tốt nhằm giảm tải cho cây, giúp cây tập trung nuôi dưỡng trái chất lượng và tránh nguy cơ suy kiệt. Ngoài ra, để giữ độ ẩm cho đất, ông hạn chế làm sạch cỏ trong vườn, tận dụng thảm cỏ tự nhiên che phủ gốc cây và bổ sung thêm phân hữu cơ giúp cây khỏe mạnh hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Ở ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp (huyện Châu Thành), ông Trương Văn Dũng cũng linh hoạt chăm sóc vườn ổi 3.000m² của gia đình bằng cách loại bỏ bớt trái non, nhằm tránh hiện tượng cây bị kiệt sức do thiếu nước. Ông Dũng chia sẻ, việc tưới nước hợp lý vào sáng sớm hoặc chiều tối, cùng với việc canh thời gian lấy nước ngọt từ kênh Cái Sắn để trữ ao tưới, đã giúp vườn ổi và 5.000 dây bí rợ hồ lô sắp cho trái phát triển ổn định bất chấp điều kiện nắng hạn kéo dài.

Giải pháp nuôi tôm hai giai đoạn và hệ thống tạo oxy đáy

Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều nông dân ở vùng U Minh Thượng còn có những sáng kiến hiệu quả trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm.

Tại huyện An Biên, phương pháp nuôi tôm hai giai đoạn đang được áp dụng rộng rãi. Theo đó, tôm giống được ương vèo trong ao nhỏ từ 20–60 ngày để làm quen với môi trường nuôi thực tế trước khi thả ra vuông lớn. Phương pháp này giúp giảm tỷ lệ hao hụt tôm giống, tăng khả năng chống chịu bệnh dịch trong điều kiện nhiệt độ cao và môi trường nước thay đổi thất thường.

Ông Nguyễn Văn Nở, ngụ ấp Kênh 1B, xã Đông Yên (huyện An Biên) đang lắp đặt hệ thống oxy đáy
Ông Nguyễn Văn Nở, ngụ ấp Kênh 1B, xã Đông Yên (huyện An Biên) đang lắp đặt hệ thống oxy đáy (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Để hỗ trợ quá trình ương vèo, nhiều nông dân đã đầu tư hệ thống tạo oxy đáy đơn giản nhưng hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Nở, ngụ tại ấp Kênh 1B, xã Đông Yên (huyện An Biên), cho biết đã chi khoảng 5 triệu đồng để lắp đặt hệ thống này cho ao vèo tôm càng xanh 700m² của gia đình. Hệ thống bao gồm máy thổi khí công suất 250W, ống dẫn, đá sủi bọt và các phụ kiện đi kèm, giúp tăng lượng oxy hòa tan trong nước, hạn chế rủi ro tôm thiếu oxy, nhất là trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm.

Việc lắp đặt hệ thống oxy đáy không chỉ cải thiện chất lượng nước ao, thúc đẩy tôm giống phát triển khỏe mạnh, mà còn giúp nông dân chủ động kiểm soát môi trường nuôi, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra.

Tuấn Anh