Khép lại mùa đại hội ngân hàng 2025, điểm danh những cái tên "bạo chi" cổ tức
Mùa cổ tức ngân hàng 2025 ghi nhận sự phân hóa rõ rệt, với một số ngân hàng công bố mức chia cổ tức cao, trong khi nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện chi trả.
Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 đã dần khép lại, đánh dấu loạt quyết định quan trọng của các ngân hàng trong việc phân phối lợi nhuận. Một số nhà băng lựa chọn chia cổ tức hào phóng, trong khi không ít đơn vị vẫn ưu tiên giữ lại lợi nhuận để củng cố năng lực tài chính.

Nổi bật trong mùa cổ tức năm nay là Ngân hàng Quân đội (MB) với mức chia cổ tức tổng cộng 35%, bao gồm 3% bằng tiền mặt và 32% bằng cổ phiếu, tương đương khoảng 21.556 tỷ đồng. MB dự kiến phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để chi trả và sẽ thực hiện sau khi được cơ quan quản lý phê duyệt.
LPBank cũng gây chú ý khi công bố chia cổ tức 25% bằng tiền mặt – mức chi trả cao trong bối cảnh ngành ngân hàng đang ưu tiên tiết kiệm dòng tiền. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2018 LPBank quay trở lại trả cổ tức tiền mặt.
ACB cũng không kém cạnh khi dự kiến chi 11.166 tỷ đồng chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
HDBank cho biết nguồn lợi nhuận có thể phân phối trong năm 2024 đạt hơn 10.396 tỷ đồng, tương ứng kế hoạch chia cổ tức khoảng 28%. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để trình cổ đông, nhằm đảm bảo tính bền vững về tài chính.
Với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, VietinBank công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại các năm 2009–2016 và 2021–2022 với tổng giá trị gần 24.000 tỷ đồng (tương đương 44,64%). Ngoài ra, ngân hàng này còn có kế hoạch chia tiếp cổ tức từ lợi nhuận năm 2024, nâng tổng giá trị lên 29.523 tỷ đồng – tương ứng khoảng 55% vốn điều lệ hiện tại.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng vẫn chưa chia cổ tức trong năm 2025. Eximbank đề xuất không chia cổ tức năm 2024 nhằm duy trì nguồn lực tài chính. SeABank cũng giữ lại toàn bộ lợi nhuận lũy kế sau thuế và trích lập, tổng cộng 3.743 tỷ đồng, để tăng vốn và phục vụ kế hoạch kinh doanh.
Tuy không chia cổ tức, SeABank vẫn dự kiến tăng vốn điều lệ từ 28.450 tỷ đồng lên 28.650 tỷ đồng thông qua phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP. Ngoài ra, ngân hàng cũng lên kế hoạch chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp, tương ứng tối đa 20% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Trong năm 2025, SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.458 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước; tổng tài sản 358.268 tỷ đồng, tăng 10%. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 15%, trong khi chỉ số ROA và ROE lần lượt hướng đến 1,8% và 13,8%.
Một ngân hàng khác là ABBank cũng quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế năm 2024 (470,4 tỷ đồng) và chưa chia cổ tức. Cộng với khoản lợi nhuận chưa phân phối của các năm trước, ABBank hiện có tổng cộng 2.311 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế.
Tính đến cuối tháng 4/2025, phần lớn ngân hàng lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tối ưu hóa vốn tự có và đáp ứng chuẩn Basel III. Các ngân hàng chia tiền mặt chủ yếu là những đơn vị có nền tảng tài chính ổn định và lợi nhuận cao trong năm 2024.
Giới chuyên gia nhận định, việc nhiều ngân hàng ưu tiên giữ lại lợi nhuận trong bối cảnh hiện tại nhằm phục vụ chiến lược mở rộng tín dụng, đầu tư công nghệ, và phát triển hệ sinh thái số. Đồng thời, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu còn giúp nâng cao năng lực vốn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn tài chính trong môi trường kinh doanh đầy biến động.