Đất & Người

Giữa đảo ngọc, có một nơi từng giam giữ 32.000 người, nay là điểm du lịch khám phá lịch sử nổi tiếng của Việt Nam

Nguyễn Trang 28/04/2025 20:15

Đây là địa danh du lịch nổi tiếng, lịch sử ghi dấu sự kiên cường của chiến sĩ cách mạng Việt Nam

Nhà tù Phú Quốc - Địa danh ghi dấu những trang sử hào hùng

Nhắc đến những địa danh gắn liền với lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam, nhà tù Phú Quốc là một trong những biểu tượng không thể thiếu. Nằm tại số 350, đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Thới, cách trung tâm phường Dương Đông khoảng 28km, nơi đây từng là "địa ngục trần gian" đối với hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

nhà tù Phú Quốc
Khách tham quan nhà tù Phú Quốc

Nhà tù Phú Quốc, còn được biết đến với tên gọi nhà lao Cây Dừa trong chiến tranh Đông Dương, từng là trung tâm giam giữ hơn 32.000 tù binh trong thời kỳ Việt Nam Cộng hòa. Năm 1995, nơi đây chính thức được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt và mở cửa cho du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Lịch sử hình thành nhà tù Phú Quốc

Nhà tù Phú Quốc thời Pháp thuộc

Được xây dựng năm 1946 bởi thực dân Pháp, nhà lao Cây Dừa có diện tích khoảng 40ha, chia thành bốn khu A, B, C, D với hệ thống canh gác nghiêm ngặt.

nhà tù phú quốc ngày xưa
Nhà tù Phú Quốc ngày xưa

Năm 1954, trước khi Hiệp định Geneva được ký kết, nơi đây đã giam giữ khoảng 14.000 tù nhân, phần lớn là các chiến sĩ cộng sản. Dưới chế độ hà khắc, 99 chiến sĩ đã hy sinh.

Nhà lao Cây Dừa dưới thời Mỹ - Ngụy

Sau khi thực dân Pháp rút lui, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp tục sử dụng nhà lao Cây Dừa, xây dựng thêm các trại giam mới vào cuối năm 1955. Tại đây, những hình thức tra tấn dã man như chuồng cọp kẽm gai, đóng đinh vào cơ thể hay soi điện cao áp được áp dụng, khiến hàng nghìn chiến sĩ cách mạng tử nạn, hàng chục nghìn người khác mang thương tật suốt đời.

Các hạng mục còn lại tại nhà tù Phú Quốc

Cổng Tiểu đoàn 8 quân cảnh

Được phục dựng nguyên bản bằng lõi trụ sắt và gạch đặc, cổng Tiểu đoàn 8 quân cảnh là điểm nhấn đầu tiên khi du khách bước vào khu di tích.

Nghĩa địa tù binh

Nghĩa địa tù binh
Nghĩa địa tù binh

Nằm cách trại giam B2 khoảng 1km, nghĩa địa có diện tích 20.000m², với tượng đài nắm đấm biểu tượng cho tinh thần bất khuất của dân tộc.

Nhà thờ Kiến Văn

Dù chỉ còn lại những cột xi măng phế tích trên diện tích hơn 4.000m², nhà thờ Kiến Văn vẫn là minh chứng sống động cho dấu tích lịch sử tại nhà tù.

Nhà trưng bày bổ sung di tích

Nhà trưng bày bao gồm hai phòng chính: phòng trưng bày hiện vật lịch sử và phòng ảnh tư liệu về cuộc đấu tranh trong nhà tù, tái hiện rõ nét sự tàn bạo của địch và ý chí kiên cường của nhân dân ta.

Phân khu B2

Với diện tích hơn 17.000m², phân khu B2 được phục dựng lại với đầy đủ vọng gác, chuồng cọp, khu tra tấn và nhà ăn, mang đến cho du khách cái nhìn chân thực về những ngày tháng tù đày khắc nghiệt.

Đài tưởng niệm liệt sĩ tại Đồi Sim

đài tưởng niệm liệt sĩ đồi Sim
Đài tưởng niệm liệt sĩ đồi Sim

Đài tưởng niệm được thiết kế hình sóng biển và khối nhọn mang ý nghĩa thiêng liêng về những con người kiên cường bước ra từ gian khổ.

Các cổng quân cảnh và nhà Ban chỉ huy

Các cổng của Tiểu đoàn 7 quân cảnh và Ban chỉ huy trại giam cũng được phục dựng nguyên trạng, giúp tái hiện sinh động không gian lịch sử cho khách tham quan.

Một số lưu ý khi tham quan địa danh nhà tù Phú Quốc

Là một địa danh lịch sử mang tính trang nghiêm, du khách khi đến nhà tù Phú Quốc cần lưu ý:

  • Mặc trang phục lịch sự, phù hợp.
  • Không chạm vào hiện vật trưng bày.
  • Mang theo nước uống và đồ ăn nhẹ vì khuôn viên di tích rộng.
  • Giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi.
  • Tham quan trong giờ mở cửa: sáng 8h00–11h30, chiều 13h30–17h00.
  • Vé vào cửa hoàn toàn miễn phí.

Nguyễn Trang