Chính sách - Đầu tư

Sáp nhập 2 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ: Diện tích mới rộng 8.555 km², dân số hơn 2,2 triệu người

Nguyễn Trang 28/04/2025 09:17

Sáp nhập hai tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ nhằm tạo nên một trung tâm liên kết vùng mạnh mẽ về kinh tế biển, du lịch và logistics.

Phương án sáp nhập hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận

Ngày 28/4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã gửi tờ trình đến HĐND tỉnh, đề nghị cho ý kiến về chủ trương sáp nhập tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Ninh Thuận. Theo phương án đề xuất, sau sáp nhập, tỉnh mới sẽ mang tên tỉnh Khánh Hòa, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Khánh Hòa
Trung tâm hành chính mới sẽ được đặt tại Khánh Hòa

Dựa trên số liệu thống kê tính đến cuối năm 2024, tỉnh Khánh Hòa có diện tích tự nhiên 5.200 km² với quy mô dân số 1.477.711 người. Về tổ chức hành chính, Khánh Hòa có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố) cùng 132 đơn vị cấp xã.

Trong khi đó, tỉnh Ninh Thuận có diện tích tự nhiên 3.355 km², dân số 765.843 người với 7 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố và 6 huyện) và 62 đơn vị hành chính cấp xã.

Nếu phương án sáp nhập được thông qua, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ có tổng diện tích tự nhiên 8.555 km², dân số đạt 2.234.554 người, tương ứng 171,12% và 159% so với tiêu chuẩn quy định. Tỉnh mới sẽ có 65 đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, gồm 48 xã, 16 phường và 1 đặc khu.

Lợi thế địa lý và sự tương đồng thúc đẩy sáp nhập

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận có cơ sở vững chắc nhờ các yếu tố địa lý, kinh tế và văn hóa tương đồng. Hai tỉnh liền kề nhau về phía Bắc, đều thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, và cùng sở hữu đường bờ biển dài thuận lợi cho phát triển du lịch, khai thác thủy sản, logistics.

Về hạ tầng giao thông, hai tỉnh được kết nối chặt chẽ qua quốc lộ 1A, cao tốc Bắc – Nam và nhiều tuyến tỉnh lộ, tạo ra sự liên thông mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn xã hội. Cả Khánh Hòa và Ninh Thuận đều có lợi thế trong phát triển dịch vụ biển, công nghiệp cảng biển, dịch vụ logistics nhờ Cảng Cam Ranh và Sân bay Thành Sơn.

Ngoài ra, xét về an ninh quốc phòng, sáp nhập hai tỉnh sẽ phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống cảng, sân bay chiến lược, góp phần củng cố thế trận phòng thủ và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Chính sách hỗ trợ cán bộ công chức sau sáp nhập

Trong quá trình chuẩn bị cho việc sáp nhập, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề xuất các phương án hỗ trợ phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức từ Ninh Thuận ra Nha Trang làm việc. Cụ thể, có bốn phương án được đưa ra:

  • Sử dụng xe công vụ đưa đón hàng tuần, với một chiều đi và một chiều về.
  • Tự túc đi xe cá nhân và được hỗ trợ chi phí di chuyển.
  • Đi bằng xe buýt theo lộ trình cố định do UBND tỉnh sắp xếp.
  • Di chuyển bằng tàu hỏa và được hỗ trợ kinh phí.

Tùy theo nhu cầu thực tế, UBND tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông để bố trí phương tiện phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ công chức.

Việc sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận không chỉ đáp ứng mục tiêu tinh gọn bộ máy hành chính theo chủ trương chung, mà còn hướng tới việc hình thành một trung tâm kinh tế – xã hội lớn mạnh ở khu vực Nam Trung Bộ.

Nguyễn Trang