Ngân hàng

Ngân hàng Việt vạch “đường đi nước bước” thế nào để đối phó thuế quan Mỹ?

Nguyễn Đăng 27/04/2025 16:02

Chính sách thuế quan mới của Mỹ đang đặt ra thách thức lớn cho ngành ngân hàng Việt Nam. Tại ĐHĐCĐ 2025, nhiều ngân hàng đã công bố kịch bản ứng phó cụ thể nhằm giảm thiểu tác động.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/4, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, đã chia sẻ về những tác động tiềm ẩn từ chính sách thuế quan của Mỹ. Ông cho biết Việt Nam hiện có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch, và nếu Mỹ áp thuế cao tới 46%, khoảng 55–56% kim ngạch sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến GDP, hoạt động thương mại và sản xuất nội địa.

đhcđ vietcombank 2025
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết Vietcombank chịu tác động mạnh từ chính sách thuế quan

Với vai trò ngân hàng chiếm gần 20% thị phần tài trợ thương mại quốc tế, Vietcombank chịu ảnh hưởng nặng nề. Các ngành khách hàng trọng yếu như điện tử, gỗ, thủy sản, nhựa đều là những lĩnh vực dễ bị tổn thương. Thêm vào đó, danh mục khách hàng FDI tại Vietcombank chiếm tỷ trọng lớn, khiến mức độ ảnh hưởng càng sâu rộng.

Trước nguy cơ này, Vietcombank đã triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, như tư vấn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và hỗ trợ tài chính linh hoạt. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước để xây dựng định hướng cụ thể cho từng ngành nghề. Đáng chú ý, Vietcombank vừa ký thỏa thuận tài trợ Vietnam Airlines mua 50 máy bay Boeing từ Mỹ, nhằm góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia.

Tại đại hội cổ đông cùng ngày, Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phan Đức Tú, cũng nhận định, thuế quan Mỹ sẽ gây tác động đa chiều tới hoạt động kinh doanh ngân hàng, từ tín dụng, huy động vốn đến chất lượng tài sản.

Theo ông Tú, dư nợ của các nhóm khách hàng thuộc các lĩnh vực nhạy cảm như thép, cơ khí, nhựa, thủy sản, dệt may, bất động sản công nghiệp hiện chiếm khoảng 15% tổng dư nợ BIDV, tương đương 300.000 tỷ đồng. Khi các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó, nhu cầu tín dụng sẽ giảm, nguồn tiền gửi FDI cũng chịu tác động tiêu cực, kéo theo chất lượng tín dụng suy yếu.

Dù vậy, BIDV tự tin có đủ kinh nghiệm để đối phó, nhờ những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2020–2024, khi lợi nhuận trước thuế tăng gấp ba lần. Ngân hàng cũng cam kết triển khai các gói hỗ trợ riêng cho khách hàng truyền thống chịu ảnh hưởng bởi thuế quan mới.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, cho biết đã trực tiếp làm việc với Đại sứ Mỹ để tìm giải pháp cân bằng lợi ích hai bên. Mặc dù tỷ trọng khách hàng xuất khẩu của SHB không lớn, ngân hàng vẫn chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó. SHB cam kết đồng hành cùng khách hàng, không chỉ bảo vệ hoạt động ngân hàng mà còn chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch OCB – nhận định mức độ ảnh hưởng sẽ ở mức vừa phải. Ông kỳ vọng Việt Nam có thể đàm phán mức thuế “đồng hạng” với các quốc gia xuất khẩu cùng ngành như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, qua đó duy trì năng lực cạnh tranh.

Chủ tịch OCB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển thị trường mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống. Dựa trên kinh nghiệm vượt qua nhiều chu kỳ khó khăn trong quá khứ, OCB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 33% trong năm nay, với niềm tin vào sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.

Nguyễn Đăng