Nhịp đập thị trường

Thủy điện A Vương: Cổ đông kín tiếng muốn sang tay 2 triệu cổ phiếu cho con

Kiều Linh 26/04/2025 12:00

Ông Đặng Thanh Bình – cổ đông kín tiếng của Thủy điện A Vương (AVC) đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu cho con theo hình thức thỏa thuận.

Một thương vụ chuyển nhượng trị giá hơn 100 tỷ đồng đang diễn ra tại Công ty CP Thủy điện A Vương (UPCoM: AVC) được giới đầu tư quan tâm. Theo thông báo mới nhất, ông Đặng Thanh Bình, Ủy viên HĐQT AVC vừa đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận trong thời gian từ 17/04 đến 15/05/2025. Điều đáng chú ý là người mua là bà Đặng Thị Lan Ngọc và ông Đặng Ngọc Hoàng – đều là con ruột của ông Đặng Thanh Bình - mỗi người đăng ký mua vào đúng 1 triệu cổ phiếu.

kinhtechungkhoan.vn-stores-news_dataimages-2025-012025-20-14-_120250120145711.jpg
Ông Đặng Thanh Bình là cổ đông lâu năm của Thủy điện A Vương

Các giao dịch này đều được công bố với mục đích “chuyển nhượng trong gia đình”. Trước khi giao dịch diễn ra, hai người con của ông Bình chưa nắm giữ bất kỳ cổ phần nào tại doanh nghiệp này. Nếu thương vụ hoàn tất, mỗi người sẽ sở hữu khoảng 1,3% vốn điều lệ của AVC. Ước tính theo thị giá kết phiên ngày 15/04/2025 là 56.900 đồng/cp, quy mô giao dịch lên tới gần 114 tỷ đồng – tức mỗi người con sẽ cần chi khoảng 56,9 tỷ đồng để trở thành cổ đông chính thức.

Trước khi các giao dịch này diễn ra, ông Đặng Thanh Bình nắm hơn 5,54 triệu cổ phiếu AVC, tương ứng tỷ lệ 7,39%. Cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này vẫn là Tổng công ty Phát điện 2 (nắm 87,45% cổ phần AVC).

Quý 1/2025 nhờ thủy văn thuận lợi, doanh thu thuần AVC đạt 130,71 tỷ đồng, tăng mạnh 42% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chi phí giá vốn tăng nhẹ 8,16%, lợi nhuận gộp trong quý vẫn tăng mạnh nhờ biên lợi nhuận được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, công ty vẫn giữ được ổn định về chi phí quản lý và tài chính, không phát sinh các khoản chi lớn, giúp toàn bộ phần tăng doanh thu được chuyển hóa hiệu quả thành lợi nhuận.

Nhờ đó, AVC ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 1/2025 đạt 59,76 tỷ đồng, tăng tới 79,37% so với cùng kỳ. Đến cuối kỳ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty đã tăng lên gần 320 tỷ đồng.

Về cấu trúc tài sản, tổng tài sản của AVC tính đến cuối quý 1/2025 đạt hơn 1.190 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm (khoảng 71 tỷ đồng). Mức giảm này chủ yếu đến từ tài sản ngắn hạn, khi tiền mặt và các khoản phải thu giảm từ 305,7 tỷ đồng còn 253,9 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn giữ lại hơn 20 tỷ đồng tiền mặt – đủ để đảm bảo thanh khoản cho các hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, việc thu hẹp các khoản phải thu từ 242,7 tỷ còn 127,4 tỷ đồng cho thấy AVC đang quản lý dòng tiền chặt chẽ hơn, rút ngắn thời gian thu hồi vốn, một động thái tích cực trong bối cảnh khách hàng ngành điện thường chiếm dụng dòng tiền lâu.

a.jpg
Thủy điện A Vương duy trì lợi nhuận ở mức cao trong giai đoạn 2020 - 2024, trong đó 'đỉnh cao' là vào năm 2022 với hơn 571 tỷ đồng

Ngược lại, tài sản dài hạn của AVC chiếm tới 936,4 tỷ đồng – tương đương 79% tổng tài sản – với điểm nhấn là hơn 829 tỷ đồng tài sản cố định. Điều này phản ánh đặc thù ngành thủy điện, khi phần lớn giá trị tập trung vào hạ tầng nhà máy và thiết bị vận hành. Ngoài ra, công ty còn sở hữu gần 80 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, thể hiện chiến lược mở rộng ảnh hưởng qua các liên kết ngành.

Xét về nguồn vốn, cấu trúc tài chính của AVC hiện đang ở mức rất an toàn. Vốn chủ sở hữu đạt 1.145 tỷ đồng, chiếm hơn 96% tổng nguồn vốn. Nợ phải trả chỉ còn 45,1 tỷ đồng, giảm hơn 130 tỷ đồng so với đầu năm, cho thấy công ty đã chủ động tất toán phần lớn công nợ và giữ bảng cân đối kế toán “sạch” – không vay nợ dài hạn, không phụ thuộc vào đòn bẩy. Nhờ đó, AVC tránh được các rủi ro từ lãi suất tăng và giữ được mức linh hoạt cao trong điều hành.

Kiều Linh