Lãnh đạo PAN Group tiết lộ kế hoạch 45 ngày đêm "vượt sóng"
Đại diện Pan Group cho biết, câu chuyện 90 ngày Mỹ hoãn thuế nhưng thời gian vận chuyển đã cần 45 ngày, như vậy PAN chỉ có 45 ngày đêm để sản xuất và xuất khẩu kịp trong quý II.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ 2025 ngày 23/4 vừa qua, Công ty CP Tập đoàn PAN (Pan Group - HOSE: PAN) đã có những trao đổi sâu sắc về tầm nhìn chiến lược năm 2025 đồng thời cũng cập nhật cho các cổ đông về tình hình kinh doanh trong 3 tháng đầu năm.

Trong bức tranh kinh doanh năm 2024, PAN Group ghi nhận điểm sáng nổi bật khi doanh thu hợp nhất lần đầu tiên vượt mốc 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.100 tỷ đồng, tăng gần 43% so với năm 2023 và vượt 32% so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 600 tỷ đồng, tăng trưởng 50%.

Tất cả các mảng kinh doanh chính – thủy sản, nông nghiệp, và thực phẩm đóng gói – đều ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Sang năm 2025, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu với doanh thu hợp nhất đạt 7.256 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.210 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 4% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm qua về kết quả kinh doanh trong quý đầu 2025, Tổng Giám đốc PAN Group - bà Nguyễn Thị Trà My cho biết doanh thu thuần của tập đoàn tăng 19% so với quý I/2024 đạt 4.119 tỷ đồng, hoàn hành 24% kế hoạch năm theo đúng dự định. Lợi nhuận sau thuế đạt 194 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ, thực hiện được 29% kế hoạch năm (672 tỷ đồng).

Riêng mảng thủy sản tăng trưởng 36%, song lợi nhuận sau thuế giảm 13% bởi Fimex VN có lợi nhuận giảm 36% nhưng được bù đắp một phần từ tăng trưởng gần gấp 2 tại Aquatex Bentre. Lý giải cho điều này, PAN Group cho biết do đẩy mạnh bán hàng vào Hoa Kỳ để tránh giai đoạn thuế tới tháng 7/2025 trong khi thị trường Hoa Kỳ có biên lợi nhuận mỏng do cạnh tranh cao lại mất chi phí vận chuyển khá cao so với các thị trường khác.
Ngoài ra, giá tôm nguyên liệu trong quý I/2025 cũng ở mức cao so với cùng kỳ 2024 (rất thấp) cũng ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của công ty. Chi phí thuế tăng cao cũng là yếu tố gây giảm hiệu quả kinh doanh của công ty trong quý I.
Trong phiên thảo luận với cổ đông, khi được hỏi về ảnh hưởng của chính sách thuế quan Mỹ tới mảng tôm của PAN Group, ông Nguyễn Duy Hưng – đại diện Pan Group cho biết mảng tôm là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi có thông tin áp thuế Mỹ, nhưng tỷ trọng thực tế xuất khẩu sang Mỹ của Tập đoàn rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 13% trong tổng doanh thu xuất khẩu và 18% giá trị xuất sang Mỹ, nên tác động trực tiếp lên lợi nhuận chung của Tập đoàn là rất thấp.
Trước đó, Pan Group đã chủ động đa dạng hoá thị trường từ nhiều năm, đẩy mạnh sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản, EU, Trung Đông…, đồng thời tập trung phát triển sản phẩm giá trị gia tăng và thị trường gần để giảm chi phí logistics.
Theo phát biểu của bà Nguyễn Thị Trà My, kể từ đại dịch Covid-19, PAN Group đã tái cấu trúc thị trường, sản phẩm, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng. Riêng mảng tôm, Khang An Foods đang tập trung vào các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Anh… trong khi Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Trong những năm gần đây, Khang An Foods làm rất tốt về phát triển bền vững (ESG). Các nhà nhập khẩu tại thị trường Mỹ như Costco đã sang kiểm tra, đánh giá rất cẩn thận.

Đáng chú ý, vào tuần trước, phía Costco đã liên hệ để nhập khẩu sản phẩm tôm của Khang An Foods vào thị trường Mỹ với nhãn đen thông qua thương hiệu Kirkland Signature - thương hiệu uy tín, giá nhập cao hơn 1 USD/kg, tức cao hơn 20-25% so với sản phẩm tương tự. Đến hiện tại, Khang An Foods đã ký với chuỗi siêu thị cao cấp của Anh với khối lượng 2.000 tấn.
Chia sẻ thêm câu chuyện của Fimex VN trong quý vừa rồi, bà My cho biết trong 90 ngày Mỹ hoãn thuế các nhà nhập khẩu Mỹ ráo riết thúc đẩy tăng xuất khẩu trong quý I vừa rồi. Câu chuyện 90 ngày Mỹ hoãn thuế nhưng thời gian vận chuyển đã cần 45 ngày, như vậy phía PAN Group chỉ có 45 ngày đêm để sản xuất và xuất khẩu kịp trong quý II. Sản lượng xuất khẩu đã đạt 80%, chỉ còn 20% trong ba quý cuối năm.
Trong kịch bản xấu nhất, dù thuế Mỹ tăng thuế đối ứng thì tác động đến PAN Group là không đáng kể nhờ tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ nhỏ và PAN Group đã ý thức đa dạng thị trường. Đơn cử như PAN Group cũng đã mở rộng hợp đồng với các siêu thị tại Anh, bao gồm cả Waitrose, một chuỗi siêu thị cao cấp hơn cả Tesco. Đồng thời biên lợi nhuận, margin ở Mỹ cũng thấp hơn so với Australia, EU hay Nhật Bản nên mức độ ảnh hưởng tới lợi nhuận 2025 của Tập đoàn PAN cũng không quá lớn ít nhất là trong năm 2025.
Về kế hoạch xuất khẩu trong quý II, PAN dự kiến sản lượng xuất khẩu sẽ đạt 80%. Cùng đó, tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới và mở rộng hợp đồng với các khách hàng lớn. Trong những năm tới, tập đoàn tiếp tục tăng trưởng bền vững bằng cách tập trung vào các sản phẩm cao cấp và các thị trường gần để giảm thiểu chi phí vận chuyển.
Dự báo về tầm nhìn tình hình kinh doanh năm 2025 và thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: “Kết quả kinh doanh quý I của PAN là rất khả quan. Tuy nhiên, tôi thừa nhận rằng môi trường kinh doanh luôn tiềm ẩn khó khăn và khó lường. Chưa bao giờ làm kinh doanh mà không khó khăn, chưa bao giờ ai dám nói chắc cái gì với những diễn biến của thị trường. Các diễn biến thay đổi liên tục khiến chúng tôi không thể dự đoán trước: Hôm nay thế này, ngày mai lại khác, trong ngày kia nó lại có vấn đề, không ai dám có thể dám nói trước được gì cả".
Dù vậy phía ban quản trị của PAN Group vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng đã trình lên ĐHĐCĐ với kỳ vọng “chúng tôi luôn nói những gì mình nghĩ và làm đúng những gì mình nói. Tất cả những gì đã cam kết với cổ đông trong nhiều năm nay chưa có gì chúng tôi không thực hiện” - Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng