Ngân hàng

21 ngân hàng đã vào cuộc, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng vẫn khó giải ngân

Sơn Tùng 25/04/2025 15:28

Dù đã có 21 ngân hàng thương mại cam kết triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng và công nghệ số với lãi suất ưu đãi, việc giải ngân vẫn gặp nhiều vướng mắc do thiếu định hướng cụ thể và cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành.

Chiều 24/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức buổi làm việc với đại diện các ngân hàng thương mại và các bộ ngành như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Gói này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng chiến lược và công nghệ số thông qua lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường ít nhất 1% và thời hạn vay từ hai năm trở lên.

tín dụng
Ảnh minh họa

Theo bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), hiện có 21 ngân hàng đã đăng ký tham gia chương trình. Tuy nhiên, do tính chất dài hạn của các dự án hạ tầng và công nghệ, trong khi nguồn vốn của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, nên nhiều ngân hàng tỏ ra e ngại về bài toán “huy động ngắn – cho vay dài”.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thừa nhận đây là một trong những gói tín dụng phức tạp nhất trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang gồng mình hỗ trợ nhiều chương trình ưu đãi. Ông nhấn mạnh, bản chất vốn của ngân hàng là ngắn hạn nên việc cam kết cho vay trung – dài hạn đã là một nỗ lực rất lớn của các ngân hàng.

“Điều quan trọng hiện nay không phải là quy mô vốn, mà là sự thiếu đồng bộ trong điều phối và xác định mục tiêu. Chúng tôi rất cần danh mục dự án cụ thể, tỉ lệ vốn nhà nước và xã hội hóa rõ ràng, cũng như dữ liệu đầu tư đáng tin cậy để tính toán phương án tín dụng phù hợp”, ông Tú nói.

Lãnh đạo NHNN cũng thẳng thắn cho rằng, ngân hàng không thể thay thế vai trò điều phối đầu tư công của nhà nước. Gói tín dụng chỉ là công cụ hỗ trợ, nếu thiếu liên kết với nguồn vốn ngân sách thì nguy cơ rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng là rất lớn. Do đó, cần một cơ chế phối hợp minh bạch, chặt chẽ và kịp thời giữa NHNN, các ngân hàng thương mại và các bộ ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, đại diện nhiều ngân hàng thương mại cũng nêu rõ những khó khăn trong quá trình triển khai. Ông Tô Huy Vũ – Chủ tịch Agribank – cho rằng nếu không được nới hạn mức tín dụng hoặc hỗ trợ tái cấp vốn, nhiều ngân hàng sẽ không thể giải ngân thêm dù dự án cấp thiết, vì khách hàng đã chạm trần vay vốn.

Các ngân hàng đề xuất được trích lập dự phòng rủi ro linh hoạt hơn, hoặc tạm thời cho phép tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn đối với các khoản vay hạ tầng, nhằm tăng khả năng cho vay dài hạn mà không ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống.

Với công nghệ số – một trong hai trụ cột chính của gói tín dụng – khó khăn lại đến từ đặc thù tài sản đảm bảo như mã nguồn, bằng sáng chế... vốn khó định giá, vòng đời ngắn và biến động nhanh. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho các lĩnh vực mới như blockchain, AI, tài sản số... vẫn chưa hoàn thiện.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin NHNN cho biết, nếu không có quy định riêng, ngân hàng rất khó “mạnh tay” giải ngân dù nhu cầu từ doanh nghiệp là rất lớn.

Tổng kết buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng về nguồn lực và cam kết tham gia. Tuy nhiên, nếu không có sự thống nhất từ các bộ ngành trong xác định danh mục dự án, phương án đầu tư và chia sẻ rủi ro, thì gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ khó đi vào thực chất và đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Sơn Tùng