Kiến thức

50 năm sau cú húc định mệnh vào cổng Dinh Độc Lập, những người lính xe tăng 390 kể về ngày lịch sử ấy như vừa mới hôm qua

Ngọc Linh 25/04/2025 10:01

Khoảnh khắc lịch sử khi xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 đã khép lại cuộc chiến dài 30 năm.

Ký ức rực lửa của kíp xe tăng 390 trưa 30/4/1975

“Chú tông thẳng vào!” – mệnh lệnh ngắn gọn ấy không chỉ làm nên khoảnh khắc lịch sử mà còn trở thành biểu tượng bất diệt của tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong trận đánh cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trưa ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 390 thuộc Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 đã tiên phong tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc 30 năm chiến tranh, mở ra một kỷ nguyên hòa bình và thống nhất đất nước.

xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập
Hình ảnh chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập

Kíp xe tăng 390 gồm 4 người: trưởng xe Vũ Đăng Toàn, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng và lái xe Nguyễn Văn Tập. Khi xe tăng 843 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận tiếp cận cổng phụ, xe tăng 390 nhận nhiệm vụ tiếp cận cổng chính Dinh Độc Lập. “Lúc đó, đồng chí lái xe Nguyễn Văn Tập quay sang hỏi tôi: ‘Thế nào anh?’. Tôi chỉ kịp ra lệnh: ‘Chú tông thẳng vào!’”, ông Vũ Đăng Toàn nhớ lại.

Cánh cổng sắt biểu tượng của chính quyền Sài Gòn bị húc tung trong tiếng động cơ xe tăng, trong tiếng vỡ òa của chiến thắng. Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên cùng ông Toàn nhảy khỏi xe, yểm trợ cho đại đội trưởng Thận cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Dinh – khoảnh khắc khẳng định chiến thắng toàn diện của lực lượng cách mạng.

“Không ai nghĩ đến chuyện sẽ bị bắn. Chúng tôi chỉ muốn cắm được lá cờ thật nhanh để báo hiệu chiến thắng, để đồng bào và đồng đội không còn phải đổ máu nữa!”, ông Toàn xúc động nói.

Tình đồng đội – ký ức không thể phai

Khi bước vào bên trong Dinh Độc Lập, người đầu tiên ông Toàn gặp là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. "Khoảng 60 người trong nội các ngồi im lặng. Không ai nổ súng. Chúng tôi giữ trật tự, chờ cấp trên đến làm việc với Tổng thống", ông Toàn nhớ lại khoảnh khắc lịch sử chuyển giao trong yên bình.

Từ trái qua phải Ông Ngô Sỹ Nguyên, ông Vũ Đăng Toàn, ông Nguyễn Văn Tập
Ông Ngô Sỹ Nguyên (bên trái), ông Vũ Đăng Toàn (ở giữa) và ông Nguyễn Văn Tập (bên phải)

Trong niềm vui chiến thắng, cũng có nỗi mất mát không thể nguôi. Pháo thủ Lê Văn Phượng – người từng cùng kíp xe tăng 390 làm nên chiến thắng đã qua đời trước thềm 50 năm thống nhất. “Lần gặp mặt năm nay, thiếu anh Phượng, chúng tôi thấy trống vắng lắm,” ông Ngô Sỹ Nguyên nghẹn ngào.

Dù sống ở ba vùng miền khác nhau, nhưng mỗi dịp 30/4, những người lính xe tăng 390 còn lại vẫn cố gắng gặp nhau. “Chiến tranh cho chúng tôi những người anh em, tuy không cùng mẹ sinh ra nhưng có thể giỗ cùng ngày”, ông Nguyên ví von. Họ chia sẻ cả quá khứ lửa đạn, hiện tại bình yên, lẫn nỗi nhớ khôn nguôi về người đồng đội đã khuất.

Giờ phút đầu hàng và lời tuyên bố lịch sử

Đúng 11h30 trưa ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện qua sóng phát thanh: “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam".

Tiếp sau là lời kêu gọi hòa hợp dân tộc từ giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn: "Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền Cách mạng".

Sau cùng, Chính ủy Bùi Văn Tùng long trọng tuyên bố: "Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn".

Đó là thời khắc ghi tên vào lịch sử, nơi kết thúc một chương đầy đau thương để mở ra kỷ nguyên của độc lập – thống nhất – hòa bình và phát triển.

Ngọc Linh