Dự báo giá vàng ngày mai 23/4: Vàng lại lập đỉnh, chuyên gia đưa ra 3 lý do đáng lo
Giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục tăng mạnh, lập đỉnh mới trong ngày 22/4. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo nguy cơ điều chỉnh do ba yếu tố áp lực.
Giá vàng hôm nay
Chiều 22/4, thị trường trong nước tiếp tục chứng kiến đà tăng mạnh của giá vàng, đặc biệt là vàng miếng SJC. Tính từ đầu phiên đến cuối giờ chiều, giá vàng SJC đã tăng tới 6 triệu đồng/lượng, thiết lập mặt bằng giá mới cao kỷ lục.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào ở mức 122 triệu đồng/lượng, bán ra 124 triệu đồng/lượng. So với đầu phiên, cả hai chiều mua – bán đều tăng 3 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng SJC hiện vẫn duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Tại cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI cũng điều chỉnh tăng giá vàng, giao dịch ở mức 120,5 triệu đồng/lượng mua vào và 122,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1,5 triệu đồng ở cả hai chiều so với phiên sáng. Chênh lệch giá mua – bán tiếp tục giữ ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.
Với vàng nhẫn, giá niêm yết trong chiều 22/4 của SJC đạt 116,5 – 119,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), ghi nhận mức tăng 1 triệu đồng/lượng so với đầu ngày. Trong khi đó, tại hệ thống DOJI, vàng nhẫn lại giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng, hiện đang giao dịch ở mức 116,9 – 119,9 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay tăng mạnh 2,2% lên mức 3.493,41 USD/ounce, sau khi thiết lập mức đỉnh lịch sử mới là 3.500,05 USD/ounce vào đầu phiên. Đồng thời, giá vàng kỳ hạn tại Mỹ cũng tăng 2,3%, giao dịch ở mức 3.502,40 USD/ounce.
Dự báo giá vàng
Giá vàng quốc tế đã liên tiếp lập kỷ lục mới, trở thành tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Tuy nhiên, giới phân tích trên Phố Wall cho rằng, nhà đầu tư cần thận trọng bởi chu kỳ tăng mạnh hiện tại có thể sớm chấm dứt.
Chuyên gia Mills, một trong những người có quan điểm trung lập về xu hướng giá vàng dài hạn, dự báo rằng giá vàng có thể điều chỉnh sâu, về mốc 1.820 USD/ounce trong vòng 5 năm tới. Nếu kịch bản này xảy ra, toàn bộ thành quả tăng trưởng của vàng trong một năm qua có thể bị xóa sổ.
Theo Mills, giá vàng ở mức cao đang thúc đẩy các nhà khai thác đẩy mạnh sản xuất. Điều này sẽ khiến nguồn cung toàn cầu tăng nhanh, tạo áp lực giảm giá trong dài hạn. Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, biên lợi nhuận trung bình của các công ty khai thác vàng đạt khoảng 950 USD/ounce trong quý II/2024 – mức cao nhất kể từ năm 2012.
Ngoài khai thác, hoạt động tái chế vàng cũng được dự báo tăng mạnh trong những năm tới. Sản lượng vàng trên mặt đất toàn cầu hiện vào khoảng 216.265 tấn, tăng 9% chỉ trong vòng 5 năm, với Úc là một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất vàng.
Một yếu tố khác gây áp lực cho giá vàng là xu hướng giảm dần trong nhu cầu. Mặc dù các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư đã đẩy mạnh mua vàng để đa dạng hóa dự trữ và phòng ngừa rủi ro, nhưng dữ liệu khảo sát gần đây từ WGC cho thấy, 71% ngân hàng trung ương dự kiến sẽ không tăng thêm lượng vàng nắm giữ trong vòng 12 tháng tới.
Các quỹ ETF vàng – vốn từng thu hút lượng tiền lớn với 9,4 tỷ USD đổ vào chỉ riêng trong tháng 2 – cũng có thể đối mặt với xu hướng thoái vốn nếu kỳ vọng lợi suất từ các kênh đầu tư khác tăng lên.
Mills dẫn ví dụ về làn sóng tăng giá của vàng năm 2020 do đại dịch COVID-19, tuy nhiên giá nhanh chóng điều chỉnh sau đó và phải đến cuối năm 2023 mới quay lại vùng đỉnh cũ. "Trong suốt 25 đến 30 năm qua, giá vàng thường trải qua những chu kỳ tăng nóng rồi lại giảm sâu", ông nhận định.
Theo S&P Global Market Intelligence, hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) trong ngành vàng đã tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một dấu hiệu thường xuất hiện khi thị trường tiến gần đỉnh.
Ngoài ra, việc nhiều quỹ đầu tư liên tục rót tiền vào vàng cũng đang được đánh giá là dấu hiệu "lặp lại lịch sử", tương tự các chu kỳ tăng trưởng trước đây mà sau đó là giai đoạn điều chỉnh mạnh.
Tổng hợp các yếu tố này, ông Mills cảnh báo: “Nhà đầu tư không nên kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng mãi. Cần thận trọng và có chiến lược phòng ngừa rủi ro trong dài hạn”.