Ở cửa ngõ miền Bắc, vùng đất cố đô này sau sáp nhập sẽ giảm gần 70% xã, phường
Sau sáp nhập, tỉnh sẽ còn lại 39 đơn vị hành chính cấp xã, giảm hơn 68% so với hiện tại.
Giảm hơn 68% số đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình, sau khi hoàn tất việc tổ chức lại, toàn tỉnh dự kiến còn 39 xã, phường, giảm 86 đơn vị so với hiện tại. Tỷ lệ giảm đạt 68,8%, từ 125 xã, phường, thị trấn còn lại 39 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là một trong những đề xuất sáp nhập có quy mô lớn nhất trên cả nước tính đến thời điểm hiện nay.

Danh sách các đơn vị hành chính mới đang được đưa ra lấy ý kiến người dân để hoàn thiện phương án trình cấp thẩm quyền. Cụ thể, 8 phường dự kiến thành lập gồm: Tây Hoa Lư, Nam Hoa Lư, Đông Hoa Lư, Hoa Lư, Tam Điệp, Yên Sơn, Trung Sơn và Yên Thắng, thuộc TP Hoa Lư và TP Tam Điệp.
Trong khi đó, 31 xã còn lại được dự kiến đặt tên mới theo từng cụm địa bàn huyện. Đối với huyện Gia Viễn và Nho Quan, các xã gồm: Gia Viễn, Đại Hoàng, Gia Hưng, Gia Phong, Gia Vân, Gia Trấn, Nho Quan, Gia Lâm, Gia Tường, Phú Sơn, Cúc Phương, Phú Long, Thanh Sơn và Quỳnh Lưu.
Huyện Yên Khánh có 5 xã: Yên Khánh 1 đến Yên Khánh 5; huyện Yên Mô gồm Yên Mô 1 đến Yên Mô 4. Riêng huyện Kim Sơn gồm các xã: Chất Bình, Kim Sơn, Quang Thiện, Phát Diệm, Lai Thành, Định Hóa, Bình Minh và Kim Đông.
Triển khai đồng bộ giữa cấp xã và cấp tỉnh
Bên cạnh việc sắp xếp đơn vị cấp xã, Ninh Bình còn đang là đầu mối triển khai kế hoạch hợp nhất ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình thành một tỉnh mới. Ngày 21/4, Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về đề án hợp nhất cấp tỉnh. Hội nghị do Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn chủ trì với sự tham dự của đại diện HĐND, UBND và các sở, ngành.

Kế hoạch này căn cứ vào Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, cùng các chỉ đạo từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Trước đó, ngày 16/4/2024, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND để thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Việc lấy ý kiến cử tri về đề án cấp tỉnh được triển khai đồng thời với lấy ý kiến sắp xếp cấp xã và yêu cầu hoàn thành trước ngày 23/4. Đây là cơ sở pháp lý và thực tiễn quan trọng để các tỉnh liên quan trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới.
Mục tiêu tạo không gian phát triển mới
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, việc hợp nhất ba tỉnh nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng không gian phát triển mới, phát huy vai trò vùng động lực tại khu vực đồng bằng sông Hồng. Quá trình triển khai sẽ bảo đảm yếu tố khách quan, khoa học, dân chủ và phù hợp với thực tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình – ông Phạm Quang Ngọc cho biết, công tác lấy ý kiến Nhân dân phải tuân thủ quy định pháp luật, tổ chức đồng bộ, phù hợp với từng địa bàn. Đồng thời, các cấp lãnh đạo phải trực tiếp theo dõi, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Tại hội nghị triển khai, nhiều đại biểu cũng nêu ra các đề xuất cụ thể về bố trí nhân sự, điều chuyển tài sản công, tuyên truyền và tổ chức lấy ý kiến cử tri nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi. Các vấn đề này sẽ được tổng hợp và làm rõ trong quá trình xây dựng hồ sơ đề án trình lên Chính phủ.
Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, sáp nhập là chủ trương lớn, cần tạo sự đồng thuận cao từ người dân và hệ thống chính trị. Công tác truyền thông phải được thực hiện một cách chủ động, chính xác, giúp lan tỏa sự thống nhất và tạo đà thuận lợi cho triển khai các bước tiếp theo.