Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn: “Cổ phiếu OCB bị chiết khấu 35% nhưng tiềm năng dài hạn rất lớn”
Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn thừa nhận cổ phiếu OCB đang bị định giá thấp khiến ông “không khỏi chạnh lòng”, nhưng tin tưởng vào hoạt động của ngân hàng, cam kết trong dài hạn OCB chắc chắn sẽ tốt.
OCB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 33%, lần đầu tiên chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn
Sáng 22/4 tại TP.HCM, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025, thông qua hàng loạt định hướng chiến lược, trong đó nổi bật là kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh, lần đầu tiên chia cổ tức tiền mặt kể từ khi niêm yết, cùng định hướng mở rộng hệ sinh thái tài chính.

Theo kế hoạch được thông qua, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Tổng huy động từ thị trường 1 dự kiến đạt 218.842 tỷ đồng, tăng 14%; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 16%, đạt 208.472 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5.338 tỷ đồng, tăng trưởng tới 33% so với năm 2024, một mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh thị trường tài chính còn nhiều biến động.
Đây cũng là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Cụ thể, ngân hàng sẽ chia cổ tức tổng cộng 15%, trong đó 7% bằng tiền mặt, tương đương 1.726 tỷ đồng, và 8% bằng cổ phiếu.
Đồng thời, ngân hàng cũng trình phương án tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư tín dụng, mở rộng hoạt động và nâng cấp cơ sở vật chất.

Lãnh đạo cam kết trong dài hạn OCB chắc chắn sẽ tốt
Tại đại hội, khi được cổ đông đặt câu hỏi về việc giá cổ phiếu OCB sụt giảm mạnh trong năm qua, Chủ tịch HĐQT OCB – ông Trịnh Văn Tuấn thẳng thắn thừa nhận đây là vấn đề khiến ông "không khỏi chạnh lòng". Theo ông Tuấn, cổ phiếu OCB hiện đang bị định giá thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành, với P/B chỉ ở mức 0,82, trong khi bình quân của các ngân hàng tư nhân là 1,25 – nghĩa là cổ phiếu OCB đang bị chiết khấu đến 35%.

Dù vậy, ông Tuấn khẳng định: "Giá cổ phiếu có thể phục hồi hay không là do thị trường quyết định. Nhưng tôi cam kết trong dài hạn, OCB chắc chắn sẽ tốt". Chủ tịch OCB cũng nhấn, mạnh bản thân là nhà đầu tư cá nhân lớn nhất tại ngân hàng và hoàn toàn tin tưởng vào định hướng phát triển lâu dài của OCB.
Để cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao giá trị cổ phiếu, OCB đang triển khai loạt giải pháp như, củng cố nền tảng tài chính, kiểm soát nợ xấu, thúc đẩy thu hồi nợ, tái cơ cấu hoạt động và nhân sự, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm một cách bài bản, minh bạch và gắn với truyền thông chiến lược đến nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi về định hướng đầu tư vào công ty chứng khoán, một xu hướng đang được nhiều ngân hàng theo đuổi, ông Tuấn đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển khi tỷ lệ người dân tham gia còn thấp và cơ hội nâng hạng thị trường vẫn hiện hữu. Theo đó, việc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực chứng khoán sẽ giúp ngân hàng hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhóm khách hàng ưu tiên, đồng thời tăng thu nhập ngoài lãi, yếu tố then chốt trong chiến lược đa dạng hóa doanh thu.
Dù vậy, do điều kiện thị trường hiện chưa thực sự thuận lợi, OCB tạm thời chọn phương án hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Chứng khoán VIS, thay vì sở hữu trực tiếp. Tuy nhiên, ông Tuấn không loại trừ khả năng sẽ tiến tới sở hữu một công ty chứng khoán khi thị trường ổn định và thời điểm chín muồi.
Bổ sung nhân sự lãnh đạo, tăng cường quản trị cho giai đoạn phát triển mới
Đại hội lần này cũng tiến hành bầu bổ sung nhân sự cho Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025 – 2030, phù hợp với định hướng mở rộng quy mô. Theo đó, HĐQT mới của OCB gồm 7 thành viên, bao gồm: ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Hà Bắc, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Yoshizawa Toshiki, ông Segawa Mitsuhiro, ông Phan Trung và ông Dương Kỳ Hiệp.
Ban Kiểm soát gồm 5 thành viên (tăng 2 thành viên so với nhiệm kỳ trước), bao gồm: bà Đặng Thị Thanh Huyền, bà Đặng Thị Quý, ông Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Trọng Hải và ông Phạm Quang Vinh. Việc kiện toàn nhân sự cấp cao được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực quản trị và vận hành hiệu quả hơn trong giai đoạn mới.