ChatGPT bất ngờ gọi tên người dùng khi đang "suy nghĩ", cộng đồng giật mình phản ứng
Nhiều người dùng hoang mang khi ChatGPT đột nhiên gọi thẳng tên họ dù chưa từng cung cấp thông tin, dấy lên lo ngại về quyền riêng tư và ranh giới công nghệ.

Một hiện tượng lạ vừa xuất hiện trên ChatGPT đang khiến cộng đồng người dùng toàn cầu không khỏi bất ngờ: chatbot AI này đột nhiên gọi đích danh người dùng trong quá trình xử lý câu hỏi, dù họ chưa từng chia sẻ tên với hệ thống. Nhiều người ví cảm giác bị gọi tên bất ngờ này như khi bị giáo viên điểm danh lên bảng trả bài, đầy giật mình và không thoải mái.

Theo TechCrunch, hành vi “gọi tên” này không chỉ gây tò mò mà còn khiến một bộ phận người dùng cảm thấy lo ngại. Nhà phát triển phần mềm kiêm chuyên gia AI Simon Willison mô tả đó là điều “đáng sợ và không cần thiết”. Còn Nick Dobos, một nhà phát triển nổi tiếng khác, không ngần ngại khẳng định ông “ghét nó”. Trên mạng xã hội X (Twitter), hàng loạt người dùng chia sẻ cảm giác bất an khi ChatGPT bắt đầu đề cập đến họ bằng tên trong khi trò chuyện, dù không có bất kỳ thiết lập cá nhân nào được bật.
Điều khiến mọi thứ trở nên bí ẩn hơn là hiện chưa rõ tính năng này bắt đầu từ thời điểm nào, cũng như liệu nó có liên quan đến “bộ nhớ trò chuyện” – tính năng mới mà OpenAI đang triển khai nhằm giúp ChatGPT cá nhân hóa phản hồi dựa trên lịch sử trò chuyện. Một số người dùng cho biết ChatGPT vẫn tiếp tục gọi tên họ ngay cả khi đã tắt hoàn toàn bộ nhớ và các cài đặt cá nhân liên quan. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về cách thức hệ thống ghi nhớ và xử lý dữ liệu cá nhân, cũng như mức độ minh bạch trong cách ChatGPT vận hành.
Tính năng gọi tên có thể là một phần trong nỗ lực của OpenAI nhằm “nhân hóa” trải nghiệm người dùng, theo đúng định hướng mà CEO Sam Altman từng đề cập: các hệ thống AI tương lai sẽ “làm quen với bạn trong suốt cuộc đời” để trở nên “cực kỳ hữu ích và cá nhân hóa”. Tuy nhiên, phản ứng trái chiều cho thấy việc “gần gũi hóa” AI không hẳn lúc nào cũng được chào đón. Người dùng bắt đầu đặt câu hỏi về ranh giới giữa sự thân mật và cảm giác bị giám sát.
Theo một nghiên cứu từ phòng khám tâm thần The Valens Clinic (Dubai), tên gọi có thể truyền tải sự kết nối cá nhân, nhưng nếu bị lạm dụng hoặc sử dụng sai ngữ cảnh, nó sẽ gây phản cảm và tạo ra cảm giác bị xâm phạm quyền riêng tư. “Khi tên bạn được dùng một cách không mong đợi, nó không còn là dấu hiệu của sự thân thiết, mà trở thành yếu tố gây khó chịu,” báo cáo từ Valens phân tích.
Hiện tại, OpenAI vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi chính thức nào trước các thắc mắc từ báo chí và người dùng liên quan đến sự thay đổi bất ngờ này. Trong lúc đó, cuộc tranh luận về “tính người trong AI” và giới hạn của công nghệ tiếp tục được đẩy lên cao, nhất là khi AI đang ngày càng hiện diện trong đời sống cá nhân, học tập và làm việc của hàng triệu người trên thế giới.