Vàng - Tỷ giá

Giá vàng hôm nay 22/4/2025: Cao không tưởng, chuyên gia dự báo bất ngờ

Thu Hà 22/04/2025 06:16

Giá vàng trong nước vượt mốc 118 triệu đồng/lượng, chênh lệch với thế giới duy trì trên 10 triệu đồng. Giới phân tích dự báo điều chỉnh ngắn hạn trước khi bứt phá.

Giá vàng trong nước

Thị trường vàng trong nước bước vào tuần mới với những diễn biến đặc biệt sôi động. Giá vàng miếng SJC đồng loạt tăng mạnh, vọt lên mức 116 – 118 triệu đồng/lượng tại các thương hiệu lớn như SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu và PNJ. Trong khi đó, vàng nhẫn tròn 9999 cũng tăng không kém, với mức tăng từ 2,5 đến 4 triệu đồng/lượng so với tuần trước.

Giá vàng lại tiếp tục thiết lập kỷ lục mới
Giá vàng biến động khó lường

Theo cập nhật, giá vàng nhẫn tại Doji ghi nhận mức 113,5 – 117 triệu đồng/lượng, SJC niêm yết 113 – 116 triệu đồng/lượng, còn tại Bảo Tín Minh Châu là 114,5 – 118 triệu đồng/lượng.

Tình trạng giá vàng trong nước tăng quá nhanh đang gây lo ngại về hiện tượng đầu cơ và dòng tiền rút khỏi các kênh đầu tư khác. Trước diễn biến này, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước vào cuộc nhằm bình ổn thị trường, tránh tình trạng trục lợi và làm giá.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định, giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá thế giới hơn 10 triệu đồng/lượng – mức chênh lệch không bền vững. Việc Ngân hàng Nhà nước có thể tiến hành thanh tra, kiểm soát thị trường có thể tạo ra làn sóng bán ra và khiến giá điều chỉnh mạnh, có thể giảm về vùng 110 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đề xuất cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng theo kế hoạch phân bổ hợp lý. Theo ông, để thị trường vàng ổn định, nguồn cung phải được cải thiện và đáp ứng đủ nhu cầu. Khi đó, thị trường sẽ đi vào giai đoạn ổn định khi cung và cầu gặp nhau.

Giá vàng thế giới

Trên thị trường quốc tế, giá vàng tiếp tục chuỗi leo dốc ấn tượng. Vào đêm 21/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đạt 3.413,50 USD/ounce – mức cao kỷ lục mới. Tính theo tỷ giá quy đổi, mỗi lượng vàng thế giới tương đương hơn 106 triệu đồng, thu hẹp khoảng cách với giá trong nước, nhưng chênh lệch vẫn duy trì trên 10 triệu đồng/lượng.

Giới phân tích cho rằng đà tăng này đến từ nhiều yếu tố: căng thẳng thương mại leo thang, bất ổn chính sách tại Mỹ, cùng việc ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh dự trữ vàng. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây liên tục gây sức ép với Chủ tịch Fed Jerome Powell, làm dấy lên lo ngại về sự độc lập của chính sách tiền tệ Mỹ.

Các quỹ ETF vàng đã ghi nhận chuỗi 12 tuần tăng giá liên tiếp, trong khi Dollar Index vẫn dao động ở vùng đáy 3 năm. Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tục mua vào, cho thấy nhu cầu trú ẩn vẫn rất lớn từ các tổ chức toàn cầu.

Goldman Sachs ước tính nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong nhiều năm tới, góp phần nâng đỡ mặt bằng giá.

Dự báo giá vàng

Dù giá vàng đang ở mức kỷ lục, các chuyên gia cho rằng thị trường có thể bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong tuần này do áp lực chốt lời. Chủ tịch Asset Strategies International – Rich Checkan nhận định, giá vàng có thể giảm nhẹ để củng cố nền tảng, sau đó tiếp tục hướng đến mốc cao mới.

Các phân tích kỹ thuật cũng đồng tình rằng xu hướng tăng vẫn chiếm ưu thế. Biểu đồ giá cho thấy ngưỡng kháng cự quan trọng nằm ở 3.395 USD/ounce, và hỗ trợ tại vùng 3.000 USD/ounce. Dự báo cho thấy giá có thể tiến lên mốc 3.440 – 3.500 USD/ounce trong ngắn hạn nếu tình hình vĩ mô không có thay đổi lớn.

Marc Chandler – Giám đốc Bannockburn Global Forex – cho rằng kỳ nghỉ lễ và giao dịch mỏng sẽ khiến thị trường biến động thất thường, song mục tiêu 3.500 USD/ounce vẫn là khả thi. Sean Lusk của Walsh Trading thì đặt kỳ vọng vào mốc 3.440 USD nếu tình hình địa chính trị chưa lắng dịu.

Đáng chú ý, CPM Group dự báo giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong ít nhất hai năm tới, khi thế giới đang chứng kiến làn sóng chuyển dịch tài sản trú ẩn rõ rệt. Với mức tăng gần 30% chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm, vàng đang khẳng định vị thế vững chắc giữa những cơn sóng dữ của kinh tế toàn cầu.

Thu Hà