Địa danh từng là trung tâm thương cảng lớn nhất Nam Kỳ - Cũng là nơi khởi nguồn của một hành trình vĩ đại
Bến Nhà Rồng là nơi chứng kiến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và từng là trung tâm thương cảng lớn nhất Nam Kỳ.
Đầu mối thương mại lớn nhất
Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp đã sớm nhận ra vị trí chiến lược đặc biệt của khu vực Bến Nghé – nơi hội tụ sông rạch, gần cửa biển và thuận tiện kết nối thương mại quốc tế. Ngày 4/3/1863, hãng vận tải biển Messageries maritimes – tiền thân là Messageries impériales – chính thức xây dựng trụ sở tại đây để điều hành các hoạt động hàng hải, vận chuyển và kinh doanh.

Tòa nhà trụ sở được thiết kế theo lối kiến trúc Pháp thời kỳ đầu, hai tầng mái ngói đỏ, tường xây gạch vôi, cửa vòm rộng mở. Điểm nhấn đặc biệt nằm ở hai con rồng bằng đất nung tráng men xanh, châu đầu vào một hình tròn ở chính giữa theo mô-típ “Lưỡng long chầu nguyệt” quen thuộc trong mỹ thuật cung đình Việt Nam. Chính yếu tố này đã khiến dân gian gọi đây là “Nhà Rồng”, và bến cảng nơi đây trở thành Bến Nhà Rồng.
Không chỉ mang kiến trúc độc đáo, Bến Nhà Rồng còn là trung tâm kết nối đường sông – đường biển, từng là đầu mối thương mại lớn nhất Nam Kỳ. Cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, nơi đây tấp nập tàu buôn trong nước và quốc tế, cột buồm, buồm vải giăng giăng trên dòng sông Sài Gòn như mô tả trong Gia Định thành thông chí.
Năm 1893, nơi đây được trang bị đèn điện (dù chỉ là bóng đèn 16 nến leo lét). Đến năm 1930, Pháp mới hoàn thành bến xi măng cốt sắt dài 430m – trở thành một trong những bến cảng hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á thời đó.
Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Ngày 5/6/1911, một thanh niên tên Nguyễn Tất Thành – khi ấy mới 21 tuổi đã xuống con tàu Amiral Latouche-Tréville của hãng Chargeurs Réunis tại Bến Nhà Rồng. Với tên gọi Văn Ba, anh bắt đầu hành trình kéo dài hơn 30 năm, đi qua hàng chục quốc gia, vừa lao động, vừa học tập, tìm hiểu mô hình xã hội tiến bộ để tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
.jpg)
Hành trình ấy đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, giúp Người nhận thức rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân và tìm thấy con đường cách mạng vô sản như là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc. Từ Bến Nhà Rồng, Nguyễn Ái Quốc ra đi, mang về cho đất nước không chỉ một tư tưởng mà còn là nền móng vững chắc cho sự nghiệp giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước.
Đây cũng là sự kiện lịch sử lớn khiến Bến Nhà Rồng gắn liền với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành di tích đặc biệt được nhiều thế hệ người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đến thăm viếng, tưởng niệm.
Chứng nhân lịch sử của nhiều thời kỳ
Trong suốt chiều dài lịch sử, Bến Nhà Rồng không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi chứng kiến các biến cố chính trị – xã hội của Sài Gòn – Gia Định.
- Năm 1955, chính quyền thời đó tiến hành cải tạo mái nhà, thay hai con rồng gốc bằng hai con rồng khác quay đầu ra ngoài.
- Năm 1965, tòa nhà bị quân đội chiếm dụng làm trụ sở Cơ quan tiếp nhận viện trợ quân sự.
- Sau năm 1975, nơi đây thuộc quyền quản lý của Cục Đường biển Việt Nam.
- Ngày 30/4/1975, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tại Bến Nhà Rồng, như một lời khẳng định thắng lợi của dân tộc sau hàng trăm năm đấu tranh.
Đến năm 1979, Ủy ban Nhân dân TP.HCM ra quyết định thành lập Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng, trực thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Giá trị văn hóa – Kiến trúc độc đáo giữa lòng đô thị hiện đại
Bến Nhà Rồng ngày nay tọa lạc tại số 1 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4 – ngay cửa ngõ sông Sài Gòn, đối diện trung tâm Quận 1. Dù xung quanh là những tòa cao ốc hiện đại, nơi đây vẫn giữ nguyên kết cấu cổ kính với mái ngói đỏ, tường vôi trắng, hai con rồng xanh uốn lượn, như một nốt trầm yên bình trong bản hòa tấu hiện đại của thành phố.

Không chỉ là điểm đến du lịch văn hóa, nơi đây còn là điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Bảo tàng hiện lưu giữ nhiều hiện vật, tranh ảnh, tư liệu quý liên quan đến hành trình cứu nước của Bác Hồ và lịch sử phát triển của thương cảng Sài Gòn xưa.
Mỗi năm, hàng trăm nghìn lượt người trong và ngoài nước đến đây để tưởng niệm, tri ân và tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Nhiều trường học tổ chức cho học sinh đến tham quan, dâng hoa, học tập chuyên đề tại bảo tàng như một phần quan trọng trong chương trình giáo dục truyền thống.