Đất & Người

Ngôi chùa Khmer hơn 70 năm tuổi giữa lòng TP.HCM, nổi bật với hàng loạt tượng rắn

Thu Thủy 21/04/2025 15:19

Ngôi chùa rộng khoảng 4.500m2, nổi bật với hình tượng rắn Naga, một biểu tượng quan trọng trong văn hóa Khmer.

Nằm giữa trung tâm Quận 3, TP.HCM, chùa Candaransi là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer đầu tiên tại Sài Gòn - Gia Định, gây ấn tượng bởi kiến trúc đặc trưng và hàng loạt hình tượng rắn Naga – biểu tượng tâm linh quan trọng trong văn hóa Khmer.

chùa rắn TPHCM
Ngôi chùa Khmer đầu tiên tại TP.HCM, gắn với hơn 70 năm lịch sử

Chùa Candaransi, còn gọi là chùa Chantarangsay (nghĩa là "Ánh trăng" theo tiếng Khmer), được thành lập vào năm 1946 bởi cố Hòa thượng Lâm Em. Vị trí ngôi chùa được chọn là một khu đất ven kênh Nhiêu Lộc, khi ấy còn là bãi bồi ngập nước. Đây là nơi đầu tiên người Khmer tại miền Nam có một trung tâm Phật giáo Nam Tông đúng nghĩa ở vùng Sài Gòn - Gia Định. Suốt hơn bảy thập kỷ qua, ngôi chùa đã trở thành không gian tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo quan trọng với cộng đồng người Khmer.

chùa Candaransi Nam Bộ
Kiến trúc độc đáo, đậm màu sắc văn hóa Khmer Nam Bộ

Toàn bộ quần thể chùa rộng khoảng 4.500 m², trong đó chính điện được xem là điểm nhấn kiến trúc đặc sắc nhất. Công trình được xây dựng theo hướng chính Đông, biểu tượng cho ánh sáng trí tuệ của Đức Phật trong đêm thành đạo. Nền chính điện được thiết kế cao hơn so với các công trình khác, gợi hình ảnh ngọn núi thiêng Meru trong truyền thuyết Ấn Độ giáo.

Các chi tiết trang trí mang đậm bản sắc Khmer với những họa tiết chạm khắc tỉ mỉ, phản ánh sự giao thoa giữa Phật giáo, Bà-la-môn giáo và tín ngưỡng bản địa. Một bức tranh khắc nổi đặt tại chính điện tái hiện tích truyện Phật giáo về năm vị Phật đã và sẽ xuất hiện trong chu kỳ của vũ trụ, nổi bật là vị Phật Di Lặc.

chùa trung tâm TPHCM
Biểu tượng rắn Naga xuất hiện khắp khuôn viên chùa

Điểm đặc biệt tại chùa Candaransi là hình tượng rắn Naga – một sinh vật huyền thoại trong văn hóa Khmer. Từ cầu thang chính điện, mái chùa, cửa sổ cho đến các tiểu cảnh trang trí, đều xuất hiện hình ảnh rắn nhiều đầu Naga, đặc biệt là loại rắn năm đầu – biểu tượng kết nối giữa thế giới con người và thế giới tâm linh. Những tượng rắn được điêu khắc công phu không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn tạo nên nét riêng biệt cho chùa giữa lòng đô thị hiện đại.

chùa Khmer tại TPHCM
Không gian tôn nghiêm với các công trình mang tính biểu tượng

Cổng tam quan của chùa được xây bằng xi măng kiên cố, gồm bốn cột trụ lớn chạm khắc tượng cầy-no – linh vật biểu trưng cho vẻ đẹp và sức mạnh. Trên đỉnh cổng là tháp chín tầng, tầng cao nhất đặt bình nước Cam lồ, bốn góc tháp được uốn cong thành hình đuôi rồng thể hiện sức mạnh Phật pháp.

Bên cạnh đó, Sala (nhà tăng) hai tầng là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo và dạy học. Tầng trệt dùng tổ chức nghi lễ, tầng trên là phòng học cho sư sãi và tu sĩ Khmer. Trong khuôn viên còn có tháp đựng cốt vuông hai tầng và các khu sinh hoạt, lưu trú cho các sư sãi từ địa phương khác đến tu tập.

chùa Phật giáo Nam Tông Khmer
Đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của người Khmer tại TP.HCM

Không chỉ là nơi tu hành, chùa Candaransi còn là điểm tổ chức nhiều lễ hội quan trọng của cộng đồng Khmer như Tết Chôl Chnam Thmây, Lễ Phật Đản, Lễ Ok Om Bok... Các lễ hội tại chùa thu hút đông đảo phật tử và du khách, góp phần giữ gìn và lan tỏa văn hóa Khmer giữa lòng thành phố hiện đại.

Thu Thủy