Miễn thuế hàng ngoại dưới 1 triệu trên sàn thương mại điện tử: Hàng nội có đáng lo?
Miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng trên sàn thương mại điện tử. Doanh nghiệp nội lo lắng trước làn sóng hàng giá rẻ tràn vào thị trường trong nước.
Tại Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa có trị giá hải quan dưới 1 triệu đồng/đơn hàng. Mỗi cá nhân, tổ chức được miễn thuế tối đa không quá 48 triệu đồng/năm. Mục tiêu, theo Bộ, là đơn giản thủ tục hải quan, tăng thuận lợi cho người tiêu dùng và phù hợp với xu hướng quốc tế.

Trong bối cảnh chi tiêu bị siết chặt sau đại dịch và lạm phát, nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoan nghênh đề xuất này. Họ kỳ vọng việc miễn thuế sẽ kéo giá hàng nhập xuống, giúp tiếp cận dễ hơn với các sản phẩm chất lượng từ nước ngoài. “Phần lớn hàng tiêu dùng trong nhà tôi đều có giá trị dưới 1 triệu đồng. Nếu được miễn thuế, tôi sẽ cân nhắc mua hàng ngoại nhiều hơn”, chị Nguyễn Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Tuy nhiên, trái với sự phấn khởi của người mua, các doanh nghiệp trong nước lại đứng ngồi không yên. Họ cho rằng chính sách này gây bất công trong cạnh tranh, đẩy hàng nội vào thế yếu.
Ông Đỗ Nam Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cảnh báo: “Khi hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào mạnh hơn, doanh nghiệp nội sẽ càng khó sống, đặc biệt là những đơn vị sản xuất nhỏ. Lợi thế giá đã thấp nay còn được miễn thuế thì sao chúng tôi cạnh tranh nổi?”

Theo phân tích của các chuyên gia, đề xuất miễn thuế cho hàng dưới 1 triệu đồng tuy có vẻ đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều hệ quả phức tạp đối với nền kinh tế nội địa.
Thứ nhất, lượng hàng nhập khẩu giá trị nhỏ nhưng tổng thể rất lớn. Bộ Công Thương thống kê, mỗi ngày có khoảng 4–5 triệu đơn hàng dưới 1 triệu đồng nhập từ Trung Quốc qua TMĐT. Tính trung bình, nếu miễn thuế cho toàn bộ lượng giao dịch này, giá trị hàng miễn thuế có thể lên đến 328.500 tỷ đồng/năm – tương đương hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế bị thất thu.
Thứ hai, các doanh nghiệp nội không được miễn thuế khi nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện hoặc hàng hóa tương tự lại càng thiệt. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng giữa các phương thức nhập khẩu và càng làm gia tăng sự mất cân đối trên thị trường.
Thứ ba, có nguy cơ bị lợi dụng. Việc cho phép miễn thuế hàng nhập dưới 1 triệu có thể dẫn đến tình trạng tách nhỏ đơn hàng để lách quy định, tương tự cách "gom đơn" hay “đánh hàng xuyên biên giới” từng diễn ra trước đây. Hậu quả là việc quản lý nhà nước khó hơn, dòng tiền thanh toán qua tiền mặt, tiền mã hóa… càng làm phức tạp việc xác định nghĩa vụ thuế.
Ông Nguyễn Đoàn Tùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Tác động của chính sách miễn thuế tưởng như nhỏ, nhưng thực tế là cực lớn. Không chỉ thất thu thuế, mà còn gây áp lực cạnh tranh nặng nề lên hàng hóa nội địa, đặc biệt là trong bối cảnh sản xuất trong nước vẫn đang vật lộn phục hồi sau dịch.”
Cần ưu tiên hàng Việt trong chính sách thuế TMĐT
Một số chuyên gia cho rằng, chính sách thuế TMĐT cần có sự ổn định và nhất quán hơn, tránh thay đổi liên tục gây hoang mang cho doanh nghiệp và thị trường. Việc đề xuất miễn – rồi sau đó có thể lại siết thuế trong thời gian ngắn – khiến nhiều doanh nghiệp không thể xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn.
Ngoài ra, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì việc nới lỏng cho hàng nhập khẩu nhỏ lẻ qua TMĐT lại đi ngược tinh thần hỗ trợ sản xuất nội địa.
Đại diện Cục Quản lý thị trường trong nước cảnh báo: “Chính sách thuế nếu không cẩn trọng sẽ khiến người bán trong nước phải cạnh tranh không công bằng, từ đó dẫn đến hiện tượng ‘hàng Việt ế đầy kho, hàng ngoại bán chạy rầm rộ’”.
Để cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước và ngân sách nhà nước, các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc một số phương án:
Giới hạn số lần được miễn thuế trong tháng, thay vì áp mức 48 triệu đồng/năm cho toàn bộ.
Kết hợp miễn thuế với điều kiện minh bạch hóa giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, có mã định danh cá nhân khi mua hàng.
Tăng cường kiểm soát gian lận bằng công nghệ, tránh hiện tượng “chia nhỏ đơn hàng” để lách luật.