Góc nhìn

Chuyện về FPT - Cổ phiếu từng "không có điểm dừng"

Lưu Lâm 20/04/2025 09:40

Cách đây không lâu, cổ phiếu FPT từng 42 lần lập đỉnh lịch sử, thế nhưng cổ phiếu đầu ngành công nghệ này giờ đây lại là tâm điểm trong nhịp điều chỉnh sâu của thị trường...

Từ đỉnh cao rực rỡ của năm 2024, cổ phiếu FPT đang đi qua một đoạn đường khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy ngỡ ngàng. Tháng 1/2025, mã này từng xác lập đỉnh lịch sử ở mức 154.300 đồng/cổ phiếu, kéo theo vốn hóa vượt 220.000 tỷ đồng và chiếm vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng vốn hóa sàn HoSE, chỉ sau Vietcombank. Đó là giai đoạn FPT được mệnh danh là “cổ phiếu quốc dân” mảng công nghệ, là đại diện sáng giá cho giấc mơ công nghệ hóa và số hóa nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng là niềm tự hào của hàng chục nghìn nhà đầu tư.

fpt4.jpg
Diễn biến giá cổ phiếu FPT

Nhưng thị trường chứng khoán không phải là nơi dành cho những giấc mơ dài hạn mà thiếu đi thực tại ngắn hạn. Trong vòng chưa đầy ba tháng sau khi lập đỉnh, cổ phiếu FPT đã điều chỉnh hơn 20%, rơi về vùng giá thấp nhất trong một năm – 111.600 đồng/cổ phiếu tính đến phiên 18/4. Từ mức định giá thuộc hàng cao nhất thị trường, vốn hóa FPT có thời điểm bốc hơi tới hơn 44.000 tỷ đồng, đẩy cổ phiếu này từ top 2 rời xuống vị thứ thứ 9 trong số doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.

Chuyện gì đã xảy ra với FPT?

Có quá nhiều thứ đang đổ về cùng lúc: Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau đại hội cổ đông, áp lực chốt lời từ khối ngoại, nỗi lo về chu kỳ định giá lại toàn thị trường – đặc biệt với nhóm công nghệ từng được đánh giá “không có điểm dừng” trong năm 2024. Cổ phiếu FPT không nằm ngoài dòng xoáy ấy.

Nếu nhìn từ phía nhà đầu tư nước ngoài – lực lượng từng sẵn sàng trả "premium" lên tới 20–30% để sở hữu cổ phiếu FPT – thì xu hướng hiện nay dường như đã rõ: Bán ròng quyết liệt. Chỉ trong quý I/2025, khối ngoại đã bán ròng khoảng 7.000 tỷ đồng FPT, khiến room ngoại lần đầu tiên “hở ra” đáng kể sau nhiều năm gần như kín. Một cú rút vốn âm thầm, nhưng đủ để châm ngòi cho làn sóng lo ngại. Không còn cảnh giành giật từng cổ phiếu trên thị trường thỏa thuận, nhà đầu tư giờ đây bắt đầu đặt câu hỏi: FPT có còn đáng giữ?

Thực tế là trong năm 2024, FPT đã thăng hoa một cách ngoạn mục, phần nhiều nhờ vào kỳ vọng – vào những câu chuyện về AI, về hợp tác với Nvidia, về việc dẫn đầu xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam. Những kỳ vọng ấy không sai, nhưng như bất kỳ cổ phiếu tăng trưởng nào, khi kỳ vọng vượt quá khả năng thực thi trong ngắn hạn, thị trường sẽ tự điều chỉnh. Và điều đó đang diễn ra với FPT.

Tại thời điểm đỉnh cao, P/E của FPT từng lên đến gần 30 lần, P/B vượt 7,5 – những con số khiến cổ phiếu này rơi vào nhóm định giá cao nhất thị trường. Tuy nhiên tới hiện tại, P/E đã giảm về 20 và P/B cũng đã điều chỉnh về mức 4,6. Đồ thị cũng đã về dưới đường MA200 sau một giai đoạn tăng giá kéo dài hàng năm.

fpt5.jpg
Định giá hiện tại của cổ phiếu FPT

Khi những con số tài chính của quý I/2025 được công bố, dù vẫn thể hiện tăng trưởng (doanh thu hai tháng đầu năm tăng 16,4%, lợi nhuận trước thuế tăng 21%), thì chừng đó là chưa đủ để làm dịu lo ngại. Đặc biệt trong bối cảnh doanh thu từ thị trường Mỹ – đầu tàu của mảng CNTT – chỉ tăng 9%, thấp hơn kế hoạch 26%. Mảng giáo dục – vốn là nguồn tăng trưởng dài hạn của FPT – cũng chỉ tăng hơn 6%, chậm lại đáng kể so với kỳ vọng.

Việc doanh nghiệp công bố kế hoạch phát hành thêm hơn 222 triệu cổ phiếu để tăng vốn cũng không khỏi khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng pha loãng, dù mục tiêu là tăng nội lực. Tất cả diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đang chao đảo vì bất ổn địa chính trị, chính sách thuế và tín hiệu thắt chặt tiền tệ.

Cần tỉnh táo định vị lại kỳ vọng

Thế nhưng, nếu chỉ nhìn FPT dưới lăng kính ngắn hạn của đồ thị kỹ thuật, của chỉ số P/E – P/B hay khối lượng bán ròng, thì có lẽ người ta đã bỏ quên điều cốt lõi nhất - FPT vẫn là một doanh nghiệp công nghệ có nội tại vững vàng hiếm thấy, với mô hình kinh doanh gần như không có đối thủ tại thị trường Việt Nam. Trong dài hạn, không nhiều cái tên có thể thay thế vị thế của FPT trong các lĩnh vực chiến lược như AI, bán dẫn, trung tâm dữ liệu và chuyển đổi số.

Đại hội cổ đông thường niên 2025 vừa qua cho thấy ban lãnh đạo FPT – đặc biệt là Chủ tịch Trương Gia Bình – vẫn kiên định với chiến lược “AI – Bán – Xe – Số – Xanh”, tức 5 mũi nhọn được xem là trụ cột cho cuộc cách mạng công nghiệp mới trên toàn cầu.

truonggiabinh.jpg
Chủ tịch Trương Gia Bình – vẫn kiên định với chiến lược “AI – Bán – Xe – Số – Xanh”

Không chỉ là tuyên bố chiến lược, FPT còn cho thấy họ đang thực thi điều đó bằng các bước đi cụ thể: Hợp tác với Nvidia để xây nhà máy AI tại Việt Nam; mở rộng trung tâm dữ liệu thứ 5 tại TP.HCM; đồng thời nhận được sự quan tâm từ chính phủ Indonesia và nhiều tập đoàn lớn châu Á về việc cùng phát triển hệ sinh thái công nghệ trong khu vực.

Ngoài ra, lợi nhuận quý I của FPT tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, biên lợi nhuận cải thiện mạnh mẽ nhờ chiến lược kiểm soát chi phí, ứng dụng AI vào quản trị, tinh gọn vận hành. Cổ tức vẫn duy trì ở mức 20% bằng tiền mặt – hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất có thể điều chỉnh giảm.

Rõ ràng, FPT không phải là một cổ phiếu tăng trưởng thiếu nền tảng. Nếu so với nhiều mã công nghệ từng bị “bơm kỳ vọng”, FPT thực sự có doanh thu, có lợi nhuận, có chiến lược và cả một đội ngũ điều hành đã chứng minh được mình qua nhiều giai đoạn thăng trầm.

Vậy cú sụt giảm vừa qua là gì: Cảnh báo, tín hiệu đảo chiều, hay chỉ là một đợt “xả hơi” cần thiết sau chuỗi tăng nóng?

Một chuyên gia thị trường chia sẻ: "Thị trường không sai khi định giá FPT cao, nhưng sau khi mọi thứ đi quá nhanh, thì việc điều chỉnh là điều hợp lý. Cái cần làm lúc này không phải sợ hãi, mà là tỉnh táo định vị lại kỳ vọng: FPT không còn là một câu chuyện tăng giá vì dòng tiền, mà là một câu chuyện tích sản lâu dài, đi cùng sự lớn mạnh của kinh tế số Việt Nam".

Trong một thị trường đầy nhiễu động như hiện nay, việc các nhà đầu tư cân nhắc lại tỷ trọng FPT là điều dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng là: Thay vì nhìn vào những con số sụt giảm trước mắt, hãy nhìn vào những gì FPT đang xây và sẽ xây trong 5–10 năm tới. Đó có thể không phải là cổ phiếu “ăn ngay” trong vài tuần, nhưng chắc chắn là một cái tên đáng để đồng hành nếu nhà đầu tư đủ kiên nhẫn.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ đều bị đo bằng tốc độ. Nhưng đôi khi, chính những nhịp chậm lại lại là cơ hội để tích lũy những giá trị thật sự. Với FPT, thời điểm này có thể chính là một nhịp “định giá lại” cần thiết – không phải vì công ty tệ đi, mà vì kỳ vọng trước đó đã quá đẹp.

Lưu Lâm