Nhịp đập thị trường

Vì sao cổ phiếu SHB lại trở thành “thỏi nam châm” hút mạnh tiền phiên hôm nay?

Đức Anh 18/04/2025 12:52

Cổ phiếu SHB bất ngờ tăng trần với thanh khoản kỷ lục, kéo theo cả nhóm ngân hàng bùng nổ trong phiên 18/4.

Sáng ngày 18/4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi dòng tiền lớn đổ mạnh vào các mã chủ chốt, tạo lực kéo vững chắc giúp thị trường bật tăng rõ rệt sau nhiều phiên giằng co.

tim.jpg
Sáng 18/4, cổ phiếu ngân hàng ghi nhận diễn biến tích cực với sắc xanh bao phủ toàn ngành

Tâm điểm nổi bật nhất trong phiên sáng thuộc về cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội khi bật tăng trần 6,64% lên 12.850 đồng/cp, khối lượng giao dịch đột biến với hơn 133 triệu đơn vị được khớp lệnh, tương ứng giá trị hơn 1.699 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng hơn 6 triệu cổ phiếu SHB, cho thấy lực cầu ngoại đang đổ dồn vào cổ phiếu này.

Từ ngày 9/4 đến nay, SHB đã tăng tới 17,5% và kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này tăng gần 40%, trở thành một trong những mã ngân hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong đợt phục hồi hiện tại.

shb_2025-04-18_11-25-03.png
Diễn biến giá cổ phiếu SHB

Sự thăng hoa của SHB diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 với hàng loạt kế hoạch đầy tham vọng. Theo tài liệu trình đại hội, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản năm nay vượt 832.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 16%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2% và lợi nhuận trước thuế lên đến 14.500 tỷ đồng – tăng 25% so với kết quả năm 2024.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên 45.942 tỷ đồng, qua đó củng cố vị thế trong nhóm 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Về chính sách cổ tức, SHB tiếp tục duy trì mức chi trả cao với tổng tỷ lệ 18% cho năm 2024, trong đó 13% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Ngân hàng cũng lên kế hoạch giữ vững tỷ lệ cổ tức 18% trong năm 2025.

Kết thúc năm tài chính 2024, SHB đạt lợi nhuận trước thuế 11.543 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước và vượt chỉ tiêu đại hội đề ra. Tổng tài sản tăng 18,5% đạt hơn 747.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ tín dụng đạt gần 534.000 tỷ đồng, tăng 18,2%. Tỷ lệ CIR được kiểm soát ở mức 24,5% – thuộc top thấp nhất ngành – nhờ chiến lược số hóa toàn diện và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong quản trị và vận hành.

Không chỉ SHB, sắc xanh lan rộng trên toàn bộ nhóm ngân hàng. VAB tăng 4,81%, EIB cộng 3,59%, BVB tăng 3,39%. Các cổ phiếu trụ như VCB tăng 1,89%, CTG tăng 1,34%, VPB tăng 1,81% đều đóng vai trò chủ lực kéo thị trường đi lên. MBB, TCB, MSB, LPB, STB, NAB cũng đồng loạt tăng trên 1%, củng cố sức bật toàn ngành và cho thấy dòng tiền đang ưu tiên quay lại với nhóm cổ phiếu được xem là “xương sống” của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Động lực tăng điểm của nhóm ngân hàng không chỉ đến từ yếu tố kỹ thuật, mà còn nằm ở thời điểm đặc biệt khi các ngân hàng bước vào mùa cao điểm Đại hội cổ đông thường niên. Sáng 18/4, hai ngân hàng là ABBank và VietinBank đã tổ chức đại hội, trong khi tuần tới sẽ là loạt đại hội quan trọng của Vietcombank, BIDV, Techcombank, MB, TPBank, Sacombank, MSB và SHB.

Cổ đông đặc biệt quan tâm đến triển vọng kinh doanh trong bối cảnh bất định toàn cầu, cũng như chính sách cổ tức, một trong những chủ đề nóng khi nhiều nhà băng duy trì tỷ lệ chia cổ tức hấp dẫn, trong khi một số khác vẫn “lỗi hẹn” với cổ đông nhiều năm liên tiếp.

Trong bức tranh hồi phục chung của thị trường, dòng ngân hàng đang tái khẳng định vai trò dẫn dắt, không chỉ bằng đà tăng giá ấn tượng mà còn bởi nền tảng tài chính vững chắc, khả năng sinh lời ổn định và sức hút ngày càng lớn đối với dòng vốn trong và ngoài nước. Phiên giao dịch sáng 18/4 cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu “vua” một dấu hiệu tích cực cho thị trường trong bối cảnh niềm tin nhà đầu tư đang dần được củng cố trở lại.

Đức Anh