Hàng hóa - Giá cả

Nga gửi sang Việt Nam hàng trăm nghìn tấn ‘báu vật’ với giá rẻ bất ngờ: Nhập khẩu tăng mạnh 151% trong quý 1, nước ta thuộc Top 10 tiêu thụ nhiều nhất thế giới

Hoàng Anh 18/04/2025 11:18

Nhập khẩu mặt hàng này từ Nga về Việt Nam liên tục tăng vọt kể từ năm 2024 đến nay.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu lúa mì các loại về Việt Nam trong quý 1/2025 đạt gần 1,63 triệu tấn, tương đương hơn 430 triệu USD, tăng 8,1% về lượng và tăng 2,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.

Screenshot 2025-04-18 013150

Giá bình quân đạt 264 USD/tấn, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 3/2025, nước ta nhập khẩu hơn 503 nghìn tấn lúa mì với trị giá hơn 132 triệu USD, giảm 30% về lượng và kim ngạch, đồng thời giảm nhẹ gần 1% về giá so với 3T/2024, tương đương 263 USD/tấn.

c2.png

Xét về thị trường, Brazil là ông trùm lớn nhất cung cấp lúa mì cho Việt Nam trong quý 1 với hơn 833 nghìn tấn, trị giá hơn 214 triệu USD, tăng 30% về lượng và tăng 32% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân đạt 257 USD/tấn, tăng nhẹ 1,7% khi so với 3T/2024.

Đứng thứ 2 là Australia với sản lượng nhập khẩu hơn 310 nghìn tấn, trị giá hơn 86 triệu USD, tăng 8,8% về lượng nhưng giảm 5,4% về kim ngạch. Giá cũng giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 278 USD/tấn.

Đáng chú ý, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Nga trong 3 tháng đầu năm 2025 đang chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong số các nhà cung cấp. Cụ thể, nước ta nhập khẩu hơn 136 nghìn tấn lúa mì từ Nga, tương đương hơn 34 triệu USD, tăng mạnh 151% về lượng và tăng 147,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá lại chứng kiến xu hướng ngược lại, đạt bình quân 252 USD/tấn, tương ứng mức giảm gần 2%.

Tại Việt Nam, nước ta gần như không trồng được lúa mì nên nguồn cung bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Trên thế giới, các "ông trùm" xuất khẩu lúa mì của thế giới lần lượt là Nga, Mỹ, Canada, Ukraine… Việt Nam hiện đang là một trong 10 nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đặc biệt là trong năm 2023, Việt Nam đã chi tới 1,9 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 5,5 triệu tấn lúa mì.

Trên thị trường thế giới, dự báo sơ bộ của FAO về sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2025 tăng nhẹ gần 1% so với năm trước, đạt 796 triệu tấn, chủ yếu sản lượng ở Liên minh châu Âu tăng trở lại, sau khi giảm trong năm 2024. Sản lượng lúa mì mềm tăng, chủ yếu ở Pháp và Đức. Năng suất lúa mì trung bình giữa các quốc gia Liên minh châu Âu cũng dự kiến sẽ tăng; tuy nhiên, tình trạng khô hạn đang diễn ra ở phía đông và lượng mưa quá nhiều ở phía tây, đặc biệt là ở Pháp, có thể hạn chế mức tăng này.

Tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland, diện tích lúa mì mùa đông dự kiến sẽ phục hồi sau khi giảm vào năm 2024 do điều kiện quá ẩm ướt trong thời kỳ trồng trọt mùa thu, dẫn đến sản lượng tăng nhẹ trong năm 2025. Tại Mỹ, tổng diện tích lúa mì năm 2025 dự kiến sẽ tăng, do tăng gieo trồng mùa đông và có khả năng tăng diện tích trồng lúa mì mùa xuân, có khả năng thay thế một số diện tích trồng đậu tương.

Tại Liên bang Nga, diện tích trồng lúa mì mùa đông đã giảm trong năm thứ ba liên tiếp. Kết hợp với độ ẩm đất thấp và lớp tuyết mỏng làm tăng nguy cơ thiệt hại do sương giá, sản lượng dự kiến sẽ giảm 2% so với năm trước xuống còn 80 triệu tấn. Đối với Ukraine, diện tích trồng lúa mì năm 2025 của quốc gia này vẫn thấp hơn mức trung bình do xung đột với Nga chưa chấm dứt, tiếp tục hạn chế khả năng gieo trồng, gây căng thẳng về tài chính và làm giảm lợi nhuận của ngành.

Hoàng Anh