Chuyển động

ĐHĐCĐ 2025 của PGBank: Vai trò ngày càng rõ rệt của nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn Thành Công

Đình Tư 18/04/2025 10:44

Danh sách ứng viên HĐQT nhiệm kỳ 2025–2030 của PGBank hé lộ vai trò ngày càng rõ rệt của nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn Thành Công.

Bóng dáng "người Thành Công" dần rõ nét

Tại Đại hội cổ đông thường niên sắp tới, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) sẽ trình các cổ đông danh sách ứng viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2025–2030.

Trong số 6 gương mặt được đề cử, chỉ còn lại ba thành viên từ nhiệm kỳ trước. Đáng chú ý, Chủ tịch đương nhiệm Phạm Mạnh Thắng và Phó Chủ tịch Đào Phong Trúc Đại đều không có tên. Thay vào đó, ba gương mặt mới gồm ông Nguyễn Văn Tý, ông Vũ Tuấn Anh và ông Nguyễn Văn Hương – đều có mối liên hệ mật thiết với Tập đoàn Thành Công (TC Group).

pgbank.png
3 cổ đông lớn sở hữu trên 10% vốn tại PGBank đều có quan hệ "dây mơ rễ má" với Tập đoàn Thành Công

Được biết, trên website của PGBank đang giới thiệu các cổ đông chiến lược sở hữu trên 10% vốn tại ngân hàng này gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (13,1%), Công ty CP Quốc tế Cường Phát (13,5%) và Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức (13,4%). Dù không trực tiếp mang thương hiệu TC Group, tuy nhiên cả ba doanh nghiệp này đều quan hệ "dây mơ rễ má" đến Tập đoàn Thành Công. Tổng số CP sở hữu của nhóm này tại PG Bank là xấp xỉ 40%.

Cụ thể, Công ty CP Quốc tế Cường Phát có Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc là ông Nguyễn Văn Mạnh. Doanh nhân sinh năm 1981 này từng là cổ đông sáng lập của Công ty CP Quốc tế PL, pháp nhân do ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai Chủ tịch Tập đoàn Thành Công (TC Group) Nguyễn Anh Tuấn sáng lập và sở hữu vốn.

Trong khi đó, cập nhật tới tháng 5/2022, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức có Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Văn Nhuân (SN 1973). Ông Nhuân từng được biết đến với vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH TCHB – đơn vị do Công ty CP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng sáng lập và sở hữu 100% vốn. Việt Hưng là một thành viên của Thành Công Group, được thành lập bởi Công ty CP Tập đoàn Thành Công (sở hữu 60% vốn), Công ty CP Huyndai Thành Công Việt Nam (sở hữu 25% vốn) và Công ty TNHH TCG Land (sở hữu 15% vốn).

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh do ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ công ty. Ông Nguyễn Tiến Dũng từng có thời gian làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Sản xuất xây dựng CN Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập.

Hạ tuần tháng 4/2023 là thời điểm mà cả 3 pháp nhân kể trên tiến hành tăng vốn mạnh mẽ. Cụ thể, vào ngày 20/4, Công ty CP Quốc tế Cường Phát đã tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên tới 882 tỷ đồng. Tới ngày 28/4/2023, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức cũng tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên tới 900 tỷ đồng. Cũng trong ngày 28/4/2023, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng. Tổng vốn góp tăng lên của 3 doanh nghiệp này là 2.577 tỷ đồng, nhiều hơn đôi chút với số tiền 2.568 tỷ đồng được chi ra để mua vào gần 40% sở hữu tại PGBank của Petrolimex.

Được biết, tại Đại hội cổ đông bất thường vào cuối tháng 10/2023 của PGBank đã đánh dấu cột mốc quan trọng cho “kỷ nguyên Thành Công” tại nhà băng này. Tại đại hội, cổ đông đã thông qua việc đổi tên thương mại và chuyển trụ sở chính sang tòa nhà HEAC – dự án do chính Thành Công làm chủ đầu tư tại phố Hàm Long, Hà Nội. Không chỉ là thay đổi địa điểm, việc chuyển “trung tâm đầu não” sang tòa nhà thuộc sở hữu nhóm cổ đông mới cho thấy cách mà TC Group đang xác lập dấu ấn cả về biểu tượng lẫn vận hành thực tiễn.

Một chi tiết đáng chú ý trong đại hội là sự xuất hiện của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch TC Group – người ngồi bàn đầu cùng đại diện Ngân hàng Nhà nước nhưng không phát biểu, cũng không giới thiệu. Hành động duy nhất của ông trong buổi lễ là bắt tay tri ân và chúc mừng các lãnh đạo cũ.

Quay trở lại với việc các nhân sự liên quan đến Tập đoàn Thành Công nằm trong danh sách ứng cử HĐQT trị của PGBank nhiệm kỳ 2025 – 2030. Trong đó đáng chú ý là ông Nguyễn Văn Tý hiện là chuyên viên Ban Đầu tư TC Group và đồng thời giữ vai trò Trưởng Ban Kiểm soát tại PV-Inconess, một công ty thành viên. Ông Vũ Tuấn Anh từng nắm giữ nhiều chức vụ tại các công ty trong hệ thống Hyundai – Thành Công và hiện là Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ và Hạ tầng Thành Công. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc PGBank hiện tại, ông Nguyễn Văn Hương, cũng nằm trong nhóm ứng viên được đưa vào HĐQT.

Tham vọng tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất ngành ngân hàng

Được biết, Công ty CP Tập đoàn Thành Công (TC Group) là tên tuổi không xa lạ trong ngành ô tô. Trên website của doanh nghiệp đa ngành này nêu rõ: công nghiệp ô tô, bất động sản và dịch vụ là 3 trụ cột của Tập đoàn.

Trở lại với hoạt động kinh doanh của PG Bank, theo báo cáo tài chính quý 1/2025 vừa được công bố, trong số 45.348,5 tỷ đồng cho vay khách hàng của PGBank tại thời điểm cuối năm 2024 (tăng gần 10% so với đầu năm), hiện có: 7.921,5 tỷ đồng đang cho vay trong ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô và xe máy, tăng gấp đôi so với đầu năm và cũng là một trong những nhóm ngành chiếm tỷ trọng cho vay lớn nhất tại PGBank.

Trước đó, con số này chỉ ở mức 1.700 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2022 và đã tăng lên mức 3.905 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

pgbank1.png
Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1/2025 của PGBank

Ngoài ra, PGBank cũng đang cho vay khách hàng trong ngành xây dựng lên tới 6.032 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 4.610 tỷ đồng hồi đầu năm. Cho vay trong hoạt động kinh doanh bất động sản cũng tăng lên mức 4.745 tỷ đồng.

Trên phương diện tài chính, nhiều dấu hiệu cho thấy PGBank đang tăng tốc để bắt nhịp với định hướng mới. Năm 2024, ngân hàng báo lãi trước thuế 421 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước – dù vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, HĐQT mới vẫn đặt ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 716 tỷ đồng cho năm 2025, tăng đến 70% – mức cao nhất trong toàn ngành ngân hàng năm nay, vượt xa nhiều nhà băng khác như OCB, VIB, ACB hay NamABank.

Nhiều người đánh giá, đây không chỉ là “nhiệm vụ tài chính” mà còn là “tuyên ngôn chiến lược” của nhóm cổ đông mới, nhằm khẳng định vai trò kiểm soát và tham vọng định hình lại PGBank.

Tuy nhiên, dù đặt mục tiêu đầy tham vọng, kết quả kinh doanh trong quý đầu năm của PGBank lại không mấy khả quan, ngân hàng này ghi nhận lợi nhận sau thuế đạt 76,6 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Quá trình hình thành và tăng vốn của PGBank

Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank) được thành lập từ năm 1993 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, vốn điều lệ ở thời điểm này chỉ ở mức 700 triệu đồng. Đến năm 2005, Petrolimex tiến hành góp vốn và trở thành cổ đông chiến lược, mở đường cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng đô thị vào năm 2007.

Cũng trong năm 2007, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, gọi tắt là PGBank. Sau đó một năm, vốn điều lệ của nhà băng này đã được tăng lên 1.000 tỷ đồng và tiếp tục nâng lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2012. Sau nhiều năm hoạt động, năm 2020, cổ phiếu PGB chính thức giao dịch trên sàn UPCoM.

Như đã nói ở trên, Petrolimex đã tiến hành thoái vốn khỏi PGBank từ năm 2023, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển.

Sau bước ngoặt này, PGBank liên tiếp thực hiện các đợt tăng vốn điều lệ. Cụ thể, trong năm 2024, ngân hàng phát hành cổ phiếu thưởng, nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 4.200 tỷ đồng.

Đến tháng 3/2025, PGBank tiếp tục chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến nâng vốn lên 5.000 tỷ đồng. PGBank cho biết mục đích chào bán nhằm bổ sung nguồn vốn để mua sắm tài sản cố định, công cụ lao động; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nội thất điểm giao dịch, bảng biểu, kho tiền theo nhận diện thương hiệu của PGBank.

Đình Tư