Vàng - Tỷ giá

Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 18/4/2025: Tăng tại hầu hết ngân hàng, VIB mua thấp nhất thị trường

Ân Thiên 18/04/2025 09:00

Tỷ giá Yên Nhật ngày 18/4 tăng tại phần lớn ngân hàng trong nước. Trong khi đó, VIB tiếp tục giữ mức giá thấp nhất thị trường ở cả hai chiều.

Tỷ giá Yên Nhật tại các ngân hàng trong nước

Thị trường ngoại tệ trong nước ngày 18/4 tiếp tục ghi nhận đà tăng của đồng Yên Nhật (JPY) tại hầu hết các ngân hàng, đặc biệt là ở chiều mua chuyển khoản.

yên nhật (1)
Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 18/4 tăng tại hầu hết ngân hàng

So với ngày 17/4, giá mua tiền mặt Yên Nhật tại các ngân hàng ghi nhận mức điều chỉnh tăng tại phần lớn đơn vị. Sacombank vươn lên dẫn đầu về giá mua tiền mặt với mức 178,51 VND/JPY, tăng 0,65 đồng so với hôm qua. Theo sát là Eximbank (178,46 đồng) và VietBank (178,46 đồng), đều duy trì mức mua cao. Ở chiều ngược lại, VIB vẫn là ngân hàng mua Yên thấp nhất, giữ nguyên mức 167,74 VND/JPY.

Về phía giá mua chuyển khoản, OCB tiếp tục dẫn đầu với mức 179,79 VND/JPY, chỉ giảm nhẹ 0,41 đồng so với kỷ lục hôm qua. VietABank và Sacombank cũng lần lượt ghi nhận mức cao, đạt trên 179 đồng/JPY. Biến động tăng ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy sự cạnh tranh về nguồn cung ngoại tệ đang có dấu hiệu trở nên sôi động.

Ở chiều bán ra, LPBank và OceanBank tiếp tục duy trì mức giá bán tiền mặt cao nhất thị trường ở 187,24 VND/JPY – tăng 0,45 đồng so với ngày 17/4. PublicBank cũng giữ nguyên mức bán cao 187 đồng ở cả hai hình thức tiền mặt và chuyển khoản. Trong khi đó, NCB là ngân hàng bán chuyển khoản cao nhất với mức 187,21 VND/JPY, chỉ giảm nhẹ 0,37 đồng so với hôm trước. Ngược lại, VIB vẫn là nơi có tỷ giá bán thấp nhất – 175,80 đồng tiền mặt và 174,80 đồng chuyển khoản.

Tỷ giá Yên Nhật trên thị trường quốc tế

Trong phiên giao dịch ngày 17/4, đồng Yên Nhật đã có lúc tăng giá mạnh, chạm mức cao nhất so với USD kể từ tháng 10 năm ngoái, với tỷ giá đạt 141,62 yên đổi 1 USD. Tuy nhiên, đà tăng này không kéo dài lâu khi sau đó đồng bạc xanh phục hồi gần 0,6%, đưa tỷ giá trở lại mức 142,64 yên đổi 1 USD.

Nguyên nhân chính khiến Yên Nhật quay đầu giảm là do phát biểu của Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa, khẳng định tỷ giá không phải là chủ đề trong khuôn khổ vòng đàm phán thương mại đang diễn ra tại Washington giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Nhật.

Trước đó, giới đầu tư kỳ vọng rằng các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn có thể dẫn đến một thỏa thuận nhằm đẩy mạnh tỷ giá Yên Nhật, giúp đồng tiền này tăng giá so với USD. Niềm tin này đã thúc đẩy lượng đầu cơ giá lên với đồng yên lên mức cao nhất kể từ năm 1986, theo hãng tin Reuters. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận nào như vậy, thành quả tăng giá gần đây của đồng yên có thể sớm bị xóa nhòa.

Mặc dù vậy, Yên Nhật vẫn được xem là một trong những tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị và chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang. Trong chưa đầy hai tuần gần đây, đồng yên và đồng euro đều đã tăng khoảng 5% so với USD. Đồng franc Thụy Sỹ – một kênh đầu tư an toàn khác – cũng tăng tới 8% so với đồng bạc xanh trong cùng kỳ.

Trong báo cáo mới nhất, Goldman Sachs đã nâng dự báo tỷ giá Yên Nhật lên mức 135 yên đổi 1 USD vào cuối năm nay. Đây được xem là kịch bản tích cực đối với đồng nội tệ Nhật Bản, trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng, bất chấp ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan do Mỹ áp đặt.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai bày tỏ nghi ngờ về việc Trung Quốc và Nhật Bản có thể lợi dụng tỷ giá để thúc đẩy xuất khẩu, gây bất lợi cho thương mại Mỹ. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cùng nhiều quan chức chính phủ đã bác bỏ cáo buộc này.

Goldman Sachs cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lập trường tiền tệ hiện tại và tiếp tục lộ trình tăng dần lãi suất, trong bối cảnh các chỉ số kinh tế nội địa vẫn duy trì tích cực.

Ân Thiên