Đất & Người

Vùng đất trấn Đông xưa của thành Thăng Long trở thành hậu phương chiến lược của siêu đô thị Hải Phòng mới

Tuấn Anh 18/04/2025 7:00

Vùng đất từng là trấn Đông xưa của Thăng Long sắp chính thức sáp nhập với thành phố Hải Phòng. Dự báo sẽ hình thành cực tăng trưởng mới của miền Bắc.

Lịch sử địa giới Hải Dương: Những dấu mốc biến thiên qua nghìn năm

Vùng đất Hải Dương ngày nay vốn có lịch sử lâu đời, được định hình từ thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc với tên gọi Dương Tuyền, nằm trong bộ máy hành chính sơ khai của các vua Hùng. Sang thiên niên kỷ I, dưới thời Bắc thuộc, khu vực này nằm trong Giao Chỉ, Giao Châu, rồi lần lượt trở thành Nam Sách Lộ, Hồng Lộ dưới các triều đại Lý – Trần.

Hải Dương
Hải Dương là vùng đất có lịch sử hào hùng

Đến thời nhà Lê sơ, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), danh xưng Hải Dương chính thức xuất hiện trong đơn vị hành chính cấp “thừa tuyên”, đồng thời đóng vai trò là trấn giữ phía Đông kinh đô Thăng Long, sánh ngang với trấn Bắc (Kinh Bắc), trấn Nam (Sơn Nam) và trấn Tây (Sơn Tây).

Đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, năm 1831, tỉnh Hải Dương chính thức được thành lập, gồm ba phủ lớn: Thượng Hồng, Nam Sách và Kinh Môn. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, tỉnh liên tục bị chia tách để hình thành tỉnh Hải Phòng và các đơn vị hành chính khác. Đặc biệt, năm 1887, các huyện An Dương, An Lão và phần đất Thủy Đường được tách khỏi Hải Dương để thành lập tỉnh Hải Phòng; các đợt điều chỉnh vào năm 1889, 1893 tiếp tục mở rộng địa giới cho Hải Phòng, đồng thời thu hẹp phần đất Hải Dương.

Trong kháng chiến chống Pháp, các huyện chiến lược như Đông Triều, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn được chuyển về tỉnh Hồng Quảng để tiện chỉ đạo chiến sự rồi lại trở về Hải Dương sau năm 1954.

Năm 1968, bước ngoặt lớn khi Hải Dương sáp nhập với Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng, kéo dài đến năm 1996. Trong thời gian này, nhiều huyện hợp nhất như Tứ Lộc, Cẩm Bình, Kim Môn, Nam Thanh,… đánh dấu một giai đoạn tổ chức hành chính mang tính lâm thời. Đến năm 1997, tỉnh Hải Dương được tái lập với 11 huyện và 1 thành phố, giữ ổn định cho đến nay.

Hải Dương – Vùng đất của những dấu son lịch sử dân tộc

Không chỉ nổi bật về vị trí địa lý và hành chính, Hải Dương còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và sự kiện trọng đại. Khúc Thừa Dụ, người làng Cúc Bồ (Ninh Giang), là người đầu tiên giành quyền tự chủ cho dân tộc năm 905.

Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc - Nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc tuấn

Đến thời Trần, Hội nghị Bình Than năm 1282 tại bến Bình Than (Nam Sách) đã đặt nền móng cho chiến thắng oanh liệt trước quân Nguyên Mông. Hải Dương cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh then chốt như Vạn Kiếp, nơi quân Trần đánh bại Thoát Hoan năm 1285, 1288.

Thế kỷ XX, Hải Dương là một trong những cái nôi của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, khởi nghĩa Cổ Am (1930), phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh và nhiều cuộc vận động yêu nước tiêu biểu khác. Lịch sử cách mạng tại Hải Dương song hành cùng những bước ngoặt quan trọng của đất nước.

Sáp nhập Hải Dương – Hải Phòng: Bước đi chiến lược của tổ chức hành chính mới

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, Hải Dương sẽ hợp nhất với TP. Hải Phòng thành một đơn vị hành chính duy nhất mang tên “thành phố Hải Phòng”, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại đô thị hiện hữu của Hải Phòng. Đây là bước đi lớn trong lộ trình tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Hai địa phương sáp nhập sẽ hình thành một trung tâm công nghiệp – cảng biển – logistics – nông nghiệp công nghệ cao lớn bậc nhất miền Bắc. Trong đó, Hải Dương đóng vai trò hậu cần, sản xuất và văn hóa truyền thống, còn Hải Phòng giữ vai trò động lực tăng trưởng và đầu mối giao thương quốc tế.

Tuấn Anh