Thị trường

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra Nutri Brain IQ "thổi phồng" chữa tự kỷ cho trẻ nhỏ

Uyên Chi 17/04/2025 11:07

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm loại sữa bột vì quảng cáo sai sự thật.

Ngày 16/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, đề nghị kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quảng cáo sản phẩm Nutri Brain IQ. Động thái này diễn ra sau khi báo chí phản ánh về tình trạng quảng cáo sản phẩm này như một “thần dược chữa tự kỷ”, gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

suabot.jpg
Sản phẩm Thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ

Nutri Brain IQ vốn được đăng ký là thực phẩm bổ sung, không phải thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, trong một số clip quảng cáo, sản phẩm này được giới thiệu có khả năng “cải thiện chức năng thần kinh, hỗ trợ trẻ tự kỷ vượt qua rối loạn phát triển”. Việc sử dụng các từ ngữ mơ hồ, đánh trúng tâm lý lo lắng của phụ huynh đã khiến không ít người lầm tưởng đây là thuốc điều trị

Theo Cục An toàn thực phẩm, việc xác minh và xử lý vi phạm quảng cáo Nutri Brain IQ là một phần trong chiến dịch siết chặt quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cơ quan này cho biết, theo Nghị định 15/2018, trách nhiệm hậu kiểm, kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung được phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quản lý tại địa phương còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng kẽ hở để tung ra các chiến dịch quảng cáo sai sự thật. Một số trường hợp dùng người nổi tiếng, chuyên gia “ảo” để dẫn dắt người tiêu dùng tin tưởng vào công dụng không có thật của sản phẩm.

Ngoài Nutri Brain IQ, Cục An toàn thực phẩm cũng đã yêu cầu kiểm tra quảng cáo của sản phẩm sữa Hikid – vốn bị phản ánh vì thông tin so sánh sai lệch như: “100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi”. Đây là kiểu quảng cáo gây ngộ nhận nghiêm trọng, dễ dẫn đến hành vi tiêu dùng thiếu kiểm chứng, đặc biệt là ở nhóm đối tượng dễ tổn thương như trẻ nhỏ.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công an mới đây đã triệt phá một đường dây sản xuất sữa bột giả với quy mô lớn, chuyên cung cấp sản phẩm cho bà bầu và trẻ em. Gần 600 sản phẩm bị thu giữ trong đợt truy quét tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vụ việc đã gây chấn động dư luận, khi hàng loạt sản phẩm nhái được đóng gói giống y hệt hàng thật và tung ra thị trường qua các kênh phân phối online.

Hình ảnh nhãn sản phẩm
Hình ảnh nhãn sản phẩm quảng cáo có hoạt chất rất cần thiết đối với các bé Tăng Động Tự Kỷ

Bộ Y tế cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để điều tra, truy cứu trách nhiệm các tổ chức và cá nhân liên quan. Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi các Sở Y tế địa phương, yêu cầu rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến trẻ em, bà bầu và người già.

Việc này bao gồm cả khâu kiểm tra hồ sơ công bố, điều kiện sản xuất, và nội dung quảng cáo đang lưu hành trên các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube – nơi nhiều sản phẩm “nổ” công dụng đang được rao bán rầm rộ.

Giới chuyên gia cho rằng, tình trạng quảng cáo sai sự thật đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã đến mức đáng báo động. Việc xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ răn đe. Nhiều doanh nghiệp coi đó là “chi phí truyền thông”, tiếp tục tái phạm sau khi nộp phạt.

“Đã đến lúc cần có chế tài mạnh tay hơn, thậm chí là hình sự hóa một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng,” TS Nguyễn Thị Hồng Anh – chuyên gia an toàn thực phẩm – nêu quan điểm.

Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm hậu kiểm ở cấp địa phương. Các cơ quan quản lý nên chủ động rà soát thường xuyên, thay vì chỉ vào cuộc khi có phản ánh từ báo chí hoặc người tiêu dùng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo phụ huynh nên thận trọng trước các sản phẩm được quảng cáo có công dụng “thần kỳ”. Với sản phẩm dành cho trẻ tự kỷ hoặc chậm phát triển, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa thay vì tin theo quảng cáo một chiều.

“Không có loại thực phẩm chức năng nào có thể thay thế phác đồ điều trị y khoa. Mọi sự phóng đại đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho quá trình điều trị,” bác sĩ Trần Minh Phong, chuyên khoa Nhi phát biểu.

Uyên Chi