Giá lúa gạo hôm nay 17/4: Nếp Việt lập đỉnh, Trung Quốc dừng thu mua
Giá lúa gạo trong nước ổn định, gạo nguyên liệu giữ giá nhiều ngày liền. Trong khi đó, giá nếp tăng cao khiến xuất khẩu sang Trung Quốc chững lại, nhường chỗ cho thị trường Philippines và châu Phi.
Giá gạo nguyên liệu giữ ổn định, giá nếp nội địa cao
Theo khảo sát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu hôm nay (17/4) vẫn đi ngang so với hôm qua, chưa ghi nhận biến động mới.
.jpg)
Cụ thể:
Gạo CL 555: 8.150 – 8.300 đồng/kg
Gạo OM 18: 10.150 – 10.300 đồng/kg
Tấm thơm: 7.300 – 7.500 đồng/kg
Trấu: 850 – 950 đồng/kg
Với mặt hàng lúa tươi, giá cũng giữ ở mức cao nhưng không thay đổi:
Đài Thơm 8 và OM 18: 6.800 – 7.000 đồng/kg
Nàng Hoa 9: 6.550 – 6.750 đồng/kg
OM 5451: 6.300 – 6.400 đồng/kg
IR 50404 và OM 380: 5.800 – 6.000 đồng/kg
Nếp tươi: 7.700 – 7.900 đồng/kg
Tại các chợ lẻ, giá gạo thành phẩm như gạo thơm Jasmine, gạo Hương Lài, gạo Sóc Thái... vẫn giữ nguyên so với hôm trước, phổ biến từ 15.500 – 28.000 đồng/kg tùy loại.
Giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ, nếp Việt “vượt trần” khiến Trung Quốc dừng mua
Trên thị trường quốc tế, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hôm nay được chào bán ở mức 396 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn so với hôm qua nhưng vẫn cao nhất khu vực. Các nước khác ghi nhận giá thấp hơn:
Thái Lan: 393 USD/tấn (giảm 2 USD)
Ấn Độ: 375 USD/tấn (giảm 1 USD)
Pakistan: 387 USD/tấn (ổn định)
Trong khi đó, mặt hàng nếp xuất khẩu từ Việt Nam đang ở mức cao, dao động 580 – 590 USD/tấn, khiến Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chính – đã ngừng mua từ cuối tháng 3. Trước đó, khi giá còn ở mức 568 – 571 USD/tấn, doanh nghiệp Trung Quốc mua rất mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng chia sẻ: “Giá nếp tăng đã khiến đối tác Trung Quốc rút đơn hàng. Các hợp đồng tháng 4 chủ yếu dựa trên đơn ký từ tháng 2 – 3. Hiện doanh nghiệp đang xoay qua các thị trường khác như Philippines và châu Phi”.
Philippines đàm phán giá khoảng 540 USD/tấn, phục vụ tiêu dùng nội địa.
Châu Phi vẫn chấp nhận mức 550 USD/tấn do yêu cầu chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, nguồn cung nếp trong nước đang khan hiếm do vụ Đông Xuân đã kết thúc. Nhiều nhà máy, kho xay xát cho biết lượng tồn kho ít, nông dân không còn nhiều hàng.
Thị trường gạo quý II: Nhu cầu vẫn lớn nhưng cung hạn chế
Theo nhận định từ các doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường gạo thế giới trong quý II/2025 vẫn có nhu cầu mạnh, đặc biệt tại các thị trường có dân số lớn như Philippines, Nigeria, Ghana…
Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế và giá nội địa tăng đang làm chậm tốc độ giao dịch. Nếu không có thêm vụ thu hoạch mới hoặc giải pháp điều tiết xuất khẩu hợp lý, giá gạo có thể tiếp tục neo cao trong thời gian tới.