Xôn xao tin chuyển giao tại FOX, nếu là thật có thiệt cho FPT?
Cổ phiếu FPT có phiên giảm kịch sàn giữa những lan truyền tin đồn về FOX. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu lo lắng rằng FPT sẽ "mất" FOX – thế nhưng sự việc liệu có thực sự nghiêm trọng như vậy?
Phiên 16/4 chứng kiến diễn biến bất ngờ của cổ phiếu Tập đoàn FPT. Sau phiên sáng giao dịch tương đối êm đềm, cổ phiếu này bất ngờ bị bán tháo trong phiên chiều, giảm kịch sàn 6,98% xuống mức 107.900 đồng/cổ phiếu – mức thấp nhất trong gần một năm trở lại đây.
Tính từ đỉnh 154.300 đồng thiết lập hồi cuối tháng 1/2025, cổ phiếu FPT hiện đã “bốc hơi” hơn 30% giá trị. Riêng trong phiên 16/4, vốn hóa thị trường của FPT mất gần 12.000 tỷ đồng – một con số không nhỏ đối với doanh nghiệp đầu ngành công nghệ Việt Nam.

Áp lực bán không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước. Khối ngoại tiếp tục xả hàng mạnh, bán ròng hơn 4,5 triệu cổ phiếu FPT trong phiên 16/4, tương đương 498,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, xu hướng này không phải điều gì đó mới mẻ, bởi ngay trong quý I/2025, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 6.900 tỷ đồng cổ phiếu FPT, khiến room ngoại hiện “hở” khoảng 103 triệu cổ phiếu – tương đương 7% vốn điều lệ. Đây là tỷ lệ hiếm thấy ở một doanh nghiệp luôn được đánh giá cao về nền tảng và triển vọng dài hạn.
Trở lại với diễn biến tiêu cực của cổ phiếu FPT phiên vừa qua, một phần nguyên nhân có thể đến từ thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên các diễn đàn đầu tư. Cụ thể, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn về khả năng chuyển giao phần vốn Nhà nước tại Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom - UpCoM: FOX) từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sang một đơn vị khác cũng thuộc khối nhà nước.
Thông tin này, dù chưa được xác thực nhưng không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng rằng FPT sẽ "mất" FOX, thế nhưng sự việc liệu có thực sự nghiêm trọng như vậy?

Được biết, hiện tại FPT sở hữu 45,9% cổ phần FOX, còn SCIC nắm hơn 50%. Dù không nắm tỷ lệ sở hữu đa số nhưng FPT hiện ghi nhận FPT Telecom là công ty con do FPT có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng Quản trị hoặc cấp quản lý tương đương của FPT Telecom và có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của FPT Telecom. Do đó, Công ty có quyền kiểm soát đối với FPT Telecom và ghi nhận là công ty con. Và vì vậy, doanh thu và lợi nhuận của FOX được hợp nhất 100% vào báo cáo tài chính FPT.

Tuy nhiên, nếu trong tương lai, FOX thực được chuyển giao về một đơn vị thuộc khối nhà nước khác như đã nói ở trên, điều này có thể khiến FPT không còn đủ quyền kiểm soát, dẫn đến việc không thể hợp nhất FOX nữa. Khi đó, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của FPT có thể sẽ giảm khoảng 30%.
Thế nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ – tức phần thực sự thuộc về FPT lại không hề thay đổi. Bởi với việc vẫn sở hữu gần 46% cổ phần FOX, FPT vẫn được nhận cổ tức, và ghi nhận lợi nhuận theo phương pháp góp vốn.
Tình huống này không phải lần đầu xảy ra. Còn nhớ hồi năm 2017, FPT từng thoái mạnh vốn khỏi FPT Retail (FRT) khiến doanh thu giảm 30%, đại bộ phận nhà đầu tư cũng phản ứng tiêu cực và đồng loạt bán tháo khiến thị FPT giảm tới gần 25%. Thế nhưng chỉ vài quý sau, khi FPT chứng minh được khả năng tăng trưởng đến từ các mảng cốt lõi như công nghệ, phần mềm và giáo dục… cổ phiếu đã phục hồi mạnh mẽ và vượt xa đỉnh cũ.
Nói tóm lại, cho tới thời điểm hiện tại, SCIC vẫn là đơn vị đang nắm giữ phần vốn Nhà nước tại FPT Telecom. Việc điều chuyển vốn giữa các cơ quan Nhà nước (nếu có) sẽ phải tuân thủ chặt chẽ quy trình pháp lý và cần có quyết định chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền.
Liên quan đến tin đồn về việc chuyển giao phần vốn Nhà nước tại FPT Telecom, PV đã liên hệ với Bộ phận truyền thông Tập đoàn FPT để xác minh thông tin. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, phía doanh nghiệp chưa đưa ra phản hồi chính thức hay xác thực nào liên quan đến nội dung đang lan truyền.