Tìm nguyên nhân khiến cổ phiếu FPT bất ngờ bị bán tháo
Cổ phiếu FPT giảm sàn, trắng bên mua phiên 16/4 giữa làn sóng bán tháo và tin đồn chưa kiểm chứng về chuyển giao vốn Nhà nước tại FPT Telecom.
Phiên giao dịch ngày 16/4 ghi nhận diễn biến bất thường đối với cổ phiếu FPT (HOSE: FPT) khi mã này giảm kịch biên độ 6,98%, chốt phiên ở mức 107.900 đồng/cổ phiếu - trở thành mã duy nhất trong rổ VN30 giảm sàn trong ngày.
Khối lượng giao dịch lên tới hơn 18 triệu đơn vị, tương đương giá trị trên 2.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu FPT rơi vào trạng thái “trắng bên mua”, với lượng dư bán sàn lên tới hàng triệu cổ phiếu, phản ánh tâm lý hoảng loạn ngắn hạn của một bộ phận nhà đầu tư.
Đáng lo ngại hơn, lực bán mạnh mẽ đến từ khối ngoại khi nhóm này bán ròng hơn 4,5 triệu cổ phiếu FPT trong phiên, tương đương gần 500 tỷ đồng. Đây là mức bán ròng lớn nhất của khối ngoại đối với mã FPT kể từ đầu năm đến nay.

Diễn biến tiêu cực của FPT trong phiên giao dịch này diễn ra trong bối cảnh một số thông tin chưa được kiểm chứng bắt đầu lan truyền trên các diễn đàn đầu tư. Cụ thể, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn về khả năng chuyển giao phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom - UpCoM: FOX) từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sang Bộ Công an (MPS).
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin xuất hiện, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã liên hệ với phía phía Tập đoàn FPT nhưng chưa nhận được câu trả lời xác thực về thông tin này.
Hiện tại, SCIC là đơn vị đang nắm giữ phần vốn Nhà nước tại FPT Telecom. Việc điều chuyển vốn giữa các cơ quan Nhà nước (nếu có) phải tuân thủ chặt chẽ quy trình pháp lý và cần có quyết định chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền.
Liên quan đến FPT, tập đoàn này cũng vừa diễn ra Đại hội cổ đông thường niên 2025, thông qua kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024.
Trong khi đó, FPT Telecom cũng vừa công bố về việc trả cổ tức đợt 2 bằng tiền mặt năm 2024 ở mức 3.000 đồng/cổ phiếu. Với hơn 492,5 triệu cổ phiếu lưu hành, FPT Telecom dự kiến chi gần 1.500 tỷ đồng cổ tức cho đợt này.
Bên cạnh việc thanh toán cổ tức tiền mặt, FPT Telecom cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần với tỷ lệ 50% (10 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới). Nếu thành công, sau đợt phát hành, vốn điều lệ của FPT Telecom sẽ tăng từ 4.925 tỷ đồng lên gần 7.388 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến thực hiện trong năm 2025.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, FPT Telecom đặt mục tiêu doanh thu 19.900 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2024, trong đó doanh thu mảng viễn thông dự kiến 19.100 tỷ đồng, phần còn lại đến từ doanh thu nội dung số. Lãi trước thuế kỳ vọng đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 17%, nếu hoàn thành sẽ thiết lập mức kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận.