Chuyển động

Đứng trước bài toán khó, Vinacafé Biên Hòa giải quyết ra sao?

Thu Hà 16/04/2025 17:47

Dưới góc độ xuất khẩu nông sản, giá cà phê tăng kỷ lục là tin vui với nông dân. Nhưng với doanh nghiệp chế biến như Vinacafé Biên Hòa, bài toán không đơn giản chỉ là tăng giá bán để bù chi phí.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF) được tổ chức vào sáng ngày 16/4, Chủ tịch Phạm Hồng Sơn không giấu được sự trăn trở khi nói về những thay đổi mạnh mẽ trên thị trường cà phê trong nước. Theo ông, sự tăng giá kéo dài của cà phê trong suốt hai năm qua không còn là chu kỳ ngắn hạn như trước mà đang mở ra một bối cảnh mới, vượt xa các hình dung cũ.

vcf.png
Cổ đông Vinacafé Biên Hòa vẫn được "thưởng lớn" khi doanh nghiệp quyết định chia cổ tức lên tới 480%

"Trong lịch sử, giá cà phê thường tăng giảm theo từng tháng, nhưng hơn một năm qua, giá cà phê Robusta – nguyên liệu chính của chúng ta – không ngừng leo thang. Tháng này, giá đã chạm mốc 155.000 đồng/kg – mức cao nhất từ trước đến nay", ông Sơn dẫn chứng.

Dưới góc độ xuất khẩu nông sản, đây là tin vui với nông dân. Nhưng với doanh nghiệp chế biến như Vinacafé Biên Hòa, bài toán không đơn giản chỉ là tăng giá bán để bù chi phí. “Chúng tôi đã điều chỉnh giá bán vài lần nhưng vẫn không đuổi kịp tốc độ tăng của giá nguyên liệu. Không thể cứ dồn áp lực đó cho người tiêu dùng”, ông Sơn thẳng thắn chia sẻ.

Về kết quả kinh doanh, bất chấp áp lực giá đầu vào, năm 2024, Vinacafé Biên Hòa vẫn ghi nhận kết quả khả quan với doanh thu đạt 2.556 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế giữ vững mức 446 tỷ đồng – không tăng nhưng vẫn đảm bảo ổn định trong một năm nhiều biến động.

Cổ đông cũng được "thưởng lớn" khi doanh nghiệp quyết định chia cổ tức lên tới 480% – tương đương 48.000 đồng mỗi cổ phiếu, mức cao hiếm thấy trên thị trường.

Cho năm 2025, ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu sẽ đạt từ 2.700 đến 2.950 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế nằm trong khoảng 470 – 516 tỷ đồng. Nếu thuận lợi, đây sẽ là lần đầu tiên Vinacafé Biên Hòa vượt mốc 500 tỷ đồng lợi nhuận.

Để ứng phó với biến động đầu vào, công ty tập trung tối ưu hóa vận hành, tìm nguồn nguyên liệu thay thế và cải tiến sản phẩm. Việc thay đổi bao bì, phát triển thương hiệu mới như Vinacafé Gold, Wake Up… tiếp tục được đẩy mạnh. “Tài sản hữu hình có thể đo được, nhưng giá trị thương hiệu – tài sản vô hình đôi khi mới là yếu tố tạo ra sức bền cho một doanh nghiệp”, ông Sơn nhấn mạnh.

Một tín hiệu mới cũng được bật mí trong đại hội là chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế. Vinacafé Biên Hòa đã có mặt tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia – bước đi đầu tiên trong hành trình đưa sản phẩm chế biến sâu của Việt Nam ra thế giới.

Dù doanh số xuất khẩu hiện chưa đáng kể, nhưng ban lãnh đạo cho rằng điều quan trọng hơn là “hiểu thị trường quốc tế, nắm được khẩu vị của người tiêu dùng nước ngoài và xây dựng nền móng để phát triển dài hạn”.

“Chúng ta không xuất khẩu cà phê thô, mà xuất khẩu sản phẩm mang giá trị gia tăng – cà phê Việt Nam thực sự đến tay người tiêu dùng quốc tế”, ông Sơn khẳng định.

Một điểm nóng khác tại đại hội là vấn đề di dời nhà máy khỏi khu công nghiệp Biên Hòa 1 – chủ trương lớn của tỉnh Đồng Nai nhằm tái định hình không gian phát triển công nghiệp – dịch vụ.

Mặc dù đến nay chưa có phương án đền bù cụ thể từ phía chính quyền, nhưng Vinacafé Biên Hòa đã chủ động hoàn tất thiết kế và xin cấp phép để di chuyển các dây chuyền sang nhà máy Long Thành. Tổng Giám đốc Nguyễn Tân Kỷ kỳ vọng mọi thủ tục pháp lý sẽ xong trước tháng 7/2025, để quá trình di dời hoàn tất trước cuối năm.

Trong bối cảnh thị trường cà phê bước vào chu kỳ mới, đầy cơ hội nhưng cũng nhiều thử thách, Vinacafé Biên Hòa đang cố gắng cân bằng giữa việc giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, chuẩn bị nền tảng cho xuất khẩu và thích nghi với thay đổi chính sách quy hoạch. Những bước chuyển này, theo lãnh đạo công ty, không chỉ để ứng phó mà còn mở đường cho một giai đoạn phát triển bền vững hơn.

Thu Hà