10 câu hỏi cho ban lãnh đạo PVI trước thềm ĐHCĐ 2025: Nợ phải trả tăng mạnh, PVN thoái vốn, chuyển đổi số toàn diện…
ĐHĐCĐ 2025 của PVI diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp tục giữ vị trí số 1 ngành bảo hiểm phi nhân thọ và chuẩn bị cho loạt thay đổi chiến lược lớn.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Công ty CP PVI (HNX: PVI) sẽ diễn ra vào ngày 22/4 tại Hà Nội. Kỳ đại hội năm nay diễn ra trong bối cảnh PVI duy trì vị thế dẫn đầu ngành bảo hiểm phi nhân thọ về cả quy mô vốn điều lệ, doanh thu và hiệu quả nghiệp vụ, đồng thời đối mặt với nhiều chuyển động lớn về chiến lược, cơ cấu cổ đông và mô hình tăng trưởng.

Năm 2024, bất chấp ảnh hưởng nặng nề từ siêu bão Yagi – sự kiện thiên tai gây thiệt hại hơn 13.000 tỷ đồng cho toàn ngành bảo hiểm, PVI vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh vượt kế hoạch. Doanh thu hợp nhất đạt 21.824 tỷ đồng (125% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 880 tỷ đồng (102% kế hoạch).
Với kết quả vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, PVI sẽ trình ĐHĐCĐ tỷ lệ chi trả cổ tức là 31,5% cho năm 2024, cao hơn tỷ lệ 28,5% được ĐHĐCĐ giao. Đây là năm thứ mười liên tiếp PVI thực hiện chi trả tỷ lệ cổ tức bằng tiền ở mức cao từ 20% trở lên và là mức chi trả cổ tức cao thứ ba trong lịch sử hoạt động của PVI kể từ khi thành lập (2021:33%; 2023: 32%; 2024: 31,5%).
Năm 2025, PVI đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 21.437 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.090 tỷ đồng và duy trì mức cổ tức tiền mặt tối thiểu 28,5%. Cùng với các mục tiêu tài chính, Công ty đang triển khai mạnh mẽ nhiều định hướng chiến lược như tái cấu trúc hệ thống, phát triển bảo hiểm số, tăng vốn cho các công ty thành viên, và mở rộng thị trường tái bảo hiểm.
Tuy nhiên, mục tiêu trên gặp thách thức không nhỏ khi nợ phải trả là vấn đề không nhỏ.
Theo báo cáo thường niên 2024 mới được công bố, nợ phải trả hợp nhất tại 31/12/2024 của PVI lên tới 23.584 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm chủ yếu do tăng phải trả bồi thường bảo hiểm ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi xảy ra trong năm và dự phòng nghiệp vụ tương ứng với tốc độ tăng trưởng quy mô kinh doanh bảo hiểm. Trong cơ cấu nợ phải trả, chiếm phần lớn vẫn là nợ ngắn hạn khi khoản mục này đạt 23.476 tỷ đồng. Nợ phải trả ngắn hạn tăng 4.779 tỷ đồng trong năm 2024, tương ứng tăng 25,5%. Đóng góp chính vào mức tăng này tới từ việc PVI gia tăng dự phòng phải trả ngắn hạn thêm 3.575 tỷ đồng trong năm 2024. Cụ thể, dự phòng phí chưa được hưởng tăng 2.168 tỷ đồng, dự phòng bồi thường tăng 1.455 tỷ đồng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng quy mô kinh doanh bảo hiểm.
Một nội dung đáng chú ý khác là kế hoạch thoái vốn của cổ đông lớn – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – đang được xúc tiến theo Quyết định 1243/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc chuyển giao cổ đông chiến lược trong giai đoạn tới dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến cấu trúc sở hữu, định hướng tăng trưởng và kỳ vọng của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong đội ngũ điều hành – với việc ông Nguyễn Tuấn Tú được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc từ tháng 8/2024 – cũng đặt ra nhiều kỳ vọng mới trong cách tiếp cận thị trường và vận hành chiến lược trong giai đoạn 2025–2030.
Trong bối cảnh đó, dưới đây là 10 câu hỏi mà nhà đầu tư và cổ đông có thể quan tâm tại kỳ ĐHĐCĐ sắp tới:
1. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.090 tỷ đồng trong năm 2025, đâu là động lực tăng trưởng chính giúp PVI đạt được kế hoạch trong điều kiện thị trường còn nhiều thách thức?
2. Mức cổ tức tối thiểu 28,5% trong năm 2025 thấp hơn mức 31,5% của năm trước. Đây có phải là dấu hiệu cho thấy công ty đang thận trọng hơn với dòng tiền và áp lực chi phí hay tới hạn tăng trưởng?
3. Việc thoái vốn của PVN tại PVI đang được chuẩn bị như thế nào? Ban lãnh đạo có kế hoạch cụ thể ra sao để đảm bảo ổn định cổ đông và duy trì định hướng phát triển sau khi cổ đông Nhà nước rút lui?
4. Nợ phải trả tăng mạnh trong năm 2024 tạo ra áp lực tài chính không nhỏ trong năm 2025. Công ty có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
5. Chuyển đổi số đang là trọng tâm chiến lược. Các kế hoạch phát triển bảo hiểm số, mở rộng kênh thương mại điện tử và số hóa quy trình vận hành sẽ được triển khai cụ thể ra sao?
6. Sau ảnh hưởng nghiêm trọng của bão Yagi, PVI có điều chỉnh gì trong mô hình đánh giá rủi ro, thiết kế sản phẩm và hoạt động tái bảo hiểm để tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai?
7. Trong chiến lược phát triển đến 2030, đâu là những lĩnh vực kinh doanh trọng tâm mà PVI sẽ ưu tiên đầu tư – bảo hiểm truyền thống, sức khỏe, tài chính hay lĩnh vực mới nào khác?
8. Việc tái cấu trúc toàn hệ thống sẽ được thực hiện theo lộ trình như thế nào? Các công ty con nào sẽ được ưu tiên tăng vốn điều lệ và đầu tư thêm nguồn lực?
9. Sự thay đổi Tổng Giám đốc giữa nhiệm kỳ mang lại điều chỉnh gì trong phong cách điều hành và chiến lược ngắn hạn của PVI? Những ưu tiên lớn trong năm 2025 là gì?
10. Trong bối cảnh chuyển đổi cổ đông lớn và các yêu cầu quản trị hiện đại, Hội đồng Quản trị sẽ nâng cao minh bạch, kiểm soát rủi ro và giám sát các giao dịch liên quan như thế nào để bảo vệ lợi ích cổ đông?