Đất & Người

Ba tỉnh thành đặc biệt sắp sáp nhập: Đều là hàng xóm của Thủ đô, một là cái nôi nước Việt cổ, một giữ "nguồn sáng" cho đất nước

Tuấn Anh 16/04/2025 16:30

Việc sáp nhập ba tỉnh thành phía tây Hà Nội dựa trên cơ sở lịch sử và tiềm năng kinh tế.

Lịch sử sáp nhập và chia tách của 3 tỉnh thành

Ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình đều sở hữu lịch sử hành chính phong phú, trải dài từ thời kỳ dựng nước đến giai đoạn hiện đại. Việc sáp nhập ba địa phương này, theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, không chỉ mang ý nghĩa cải cách tổ chức bộ máy hành chính mà còn là sự tiếp nối lịch sử, gắn kết vùng đất có chung nhiều mối liên hệ về văn hóa và phát triển.

Phú Thọ, vùng đất tổ cội nguồn dân tộc Việt Nam, là nơi ra đời của nhà nước Văn Lang đầu tiên dưới thời Hùng Vương. Qua các triều đại, từ An Dương Vương, Bắc thuộc đến phong kiến độc lập, Phú Thọ luôn giữ vai trò là trung tâm địa lý – chính trị quan trọng.

thành phố Phú Thọ
Theo dự kiến, thành phố Phú Thọ sẽ là trung tâm hành chính khi sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Hòa Bình

Vào thế kỷ XIX, địa bàn Phú Thọ thuộc về các tỉnh Sơn Tây và Hưng Hóa. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), công cuộc cải cách hành chính giúp hình thành các tỉnh hiện đại, đặt nền móng cho đơn vị hành chính Phú Thọ ngày nay.

Vĩnh Phúc là nơi gắn với di chỉ khảo cổ Đồng Đậu – dấu tích quan trọng của người Việt cổ. Vùng đất này từng thuộc bộ Văn Lang thời Hùng Vương, rồi trở thành địa bàn quận Giao Chỉ dưới thời Bắc thuộc. Trong thời kỳ 12 sứ quân, đây là địa bàn của sứ quân Nguyễn Khoan. Năm 1950, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được thành lập từ hai tỉnh cũ là Vĩnh Yên và Phúc Yên. Đặc biệt, giai đoạn 1968 – 1996, Vĩnh Phúc từng sáp nhập với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, là tiền lệ quan trọng cho phương án hiện tại.

Hòa Bình, thành lập năm 1886 với tên gọi ban đầu là tỉnh Mường, là địa bàn cư trú chủ yếu của người Mường. Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh này nhiều lần thay đổi tên gọi và trung tâm hành chính, cuối cùng ổn định với tên Hòa Bình từ năm 1891.

Hòa Bình
Nhà máy thủy điện Hòa Bình là nơi sản xuất điện quan trọng bậc nhất Việt Nam

Sau năm 1975, Hòa Bình từng hợp nhất với Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình, trước khi tái lập tỉnh riêng vào năm 1991.

Tiềm lực kinh tế

Số liệu kinh tế năm 2024 cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa ba địa phương. Vĩnh Phúc dẫn đầu với GRDP đạt 173.140 tỷ đồng, vượt xa Phú Thọ (107.300 tỷ) và Hòa Bình (72.180 tỷ). Xếp hạng GRDP toàn quốc, Vĩnh Phúc đứng thứ 13, trong khi Phú Thọ và Hòa Bình lần lượt xếp thứ 35 và 45.

Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc nằm ngay cạnh Hà Nội, trên trục giao thông di chuyển vô cùng thuận lợi cho phát triển kinh tế

Về cơ cấu GRDP, Phú Thọ và Hòa Bình có đặc điểm tương đồng với tỷ trọng cao trong lĩnh vực nông – công nghiệp, trong khi thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm tỷ trọng thấp. Vĩnh Phúc lại nổi bật với tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm gần 48% và thuế sản phẩm hơn 23%, cho thấy vai trò công nghiệp hóa mạnh mẽ.

GRDP bình quân đầu người của Vĩnh Phúc là 141,3 triệu đồng/người/năm, vượt trung bình quốc gia tới 27,3 triệu đồng. Trong khi đó, Hòa Bình đạt 81 triệu và Phú Thọ là 70,7 triệu đồng/người, thấp hơn trung bình cả nước.

Về thu ngân sách, Vĩnh Phúc đạt 31.486,9 tỷ đồng – cao gấp bốn lần Phú Thọ và Hòa Bình. Tuy nhiên, tỷ lệ vượt dự toán ở Hòa Bình rất ấn tượng, đạt 187% kế hoạch Thủ tướng giao. Điều này cho thấy tiềm năng tài chính địa phương dù quy mô chưa lớn.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, Vĩnh Phúc dẫn đầu với 16,3 tỷ USD, theo sau là Phú Thọ (15,4 tỷ USD). Hòa Bình gây bất ngờ khi xuất khẩu tăng đột biến từ 598 triệu USD (2023) lên hơn 2 tỷ USD (2024), tương đương mức tăng 234,4%.

Việc sáp nhập ba tỉnh nhằm hình thành một đơn vị hành chính có quy mô lớn, giúp tối ưu nguồn lực đầu tư, tạo hành lang phát triển công – nông nghiệp, logistics và kết nối vùng trung du với đồng bằng Bắc Bộ.

Tuấn Anh