Hàng hóa - Giá cả

Lào, Campuchia tăng cường ‘chốt đơn’ một mặt hàng của Việt Nam: Thu về hơn 225 triệu USD trong quý 1, nước ta tiêu thụ hơn 10 triệu tấn mỗi năm

Hoàng Anh 16/04/2025 14:50

Hiện Campuchia đang trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng này.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 600 nghìn tấn phân bón với trị giá hơn 225 triệu USD trong quý 1, tăng 20,2% về lượng và tăng 8,5% về kim ngạch so với quý 1/2024.

cc.png

Giá xuất khẩu bình quân đạt 375 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 3 nước ta xuất khẩu hơn 266 nghìn tấn với trị giá gần 91 triệu USD, tăng 42,7% về lượng, tăng 23,1% về kim ngạch so với tháng 2/2024.

Xét về thị trường, hiện phân bón của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia với hơn 141 nghìn tấn, trị giá hơn 43 triệu USD, tăng mạnh 36,8% về lượng và tăng 1,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân 304 USD/tấn, giảm 25,7% so với mức giá trong quý 1/2024.

c1.png

Đứng thứ 2 là thị trường Hàn Quốc đạt 83.804 tấn, trị giá 33,54 triệu USD, tăng 21,6% về lượng, tăng 15,9% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá bình quân đạt 400 USD/tấn, giảm 5%.

Malaysia là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 với đạt 45.138 tấn, trị giá 17,9 triệu USD, tăng 40,6% về lượng, tăng 63,4% về kim ngạch. Giá bình quân 396 USD/tấn, tăng 16%.

Đáng chú ý, xuất khẩu phân bón sang Lào tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 20.027 tấn, trị giá 7,02 triệu USD, tăng 143,3% về lượng, tăng 299,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng chính là quốc gia chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam trong quý 1.

Theo Hiệp hội Phân Bón Việt Nam, hiện nay nhu cầu phân bón ở Việt Nam khoảng trên 11 triệu tấn các loại/ năm. Theo các chuyên gia, thị trường phân bón Việt Nam năm 2025 có khả năng đạt trạng thái cân đối cung - cầu tốt hơn so với năm 2024. Tổng cung dự kiến đạt khoảng 11,5 - 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ ước tính ở mức 10 - 10,5 triệu tấn.

Từ 1/7/2025, mặt hàng phân bón chịu thuế giá trị gia tăng 5% sẽ mang lại một số lợi ích cho các doanh nghiệp phân bón trong nước như: Hoàn thuế nguyên liệu đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất, nới rộng biên lợi nhuận gộp, góp phần tăng trưởng lợi nhuận; mức thuế 5% có thể làm giảm sự cạnh tranh về giá thành giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu.

Nhờ chính sách thuế mới, doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa sẽ cạnh tranh hơn về giá so với phân bón nhập khẩu, từ đó hỗ trợ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ. Đối với các doanh nghiệp phân bón, Phân bón Cà Mau xây dựng kế hoạch kinh doanh với ước tính doanh thu đạt 13.983 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 774 tỷ đồng. So với mức thực hiện năm 2024, kế hoạch này tăng 3,9% về doanh thu, nhưng giảm 42% về lợi nhuận.

Công ty cổ phần DAP - Vinachem (DDV) được kỳ vọng duy trì nền tảng tăng trưởng nhờ các yếu tố như nhu cầu tiêu thụ phân bón cải thiện khi bước vào mùa vụ Đông Xuân và chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc (tới hết quý I/2025). Cùng với đó, DAP - Vinachem hưởng lợi từ chính sách thuế VAT thay đổi theo hướng tích cực.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC), năm 2025, doanh thu ước tính sẽ tăng 18%, với giả định giá phốt pho vàng tăng 4% và doanh nghiệp có khả năng tăng sản lượng tiêu thụ ở tất cả các danh mục sản phẩm. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận có thể tăng nhờ vào việc sử dụng nguyên liệu tự khai thác cao hơn. Các yếu tố này đưa đến mức tăng trưởng lợi nhuận ròng năm nay dự kiến đạt 32%.

Hoàng Anh