Tỉnh sở hữu "thác nước đẹp nhất thế giới" sẽ không phải sáp nhập dù chưa đạt tiêu chuẩn diện tích
Mặc dù không đạt chuẩn diện tích, tỉnh miền núi này vẫn được giữ nguyên không sáp nhập.
Lịch sử hình thành và sáp nhập trải dài từ thời phong kiến đến hiện đại
Cao Bằng là tỉnh biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, tiếp giáp với Trung Quốc hơn 333 km đường biên giới. Phía Tây giáp Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn. Tỉnh có địa hình chủ yếu là núi đá vôi xen lẫn đất, độ cao trung bình trên 200m, trong đó vùng sát biên giới có độ cao từ 600 đến 1.300m so với mực nước biển. Đất bằng canh tác chỉ chiếm gần 10% diện tích tự nhiên.

Cao Bằng sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Nổi tiếng với thác Bản Giốc – một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, cũng là thác tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên biên giới – là điểm dừng chân không thể bỏ lỡ.
Với diện tích khoảng 6.703 km² và gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Cao Bằng không chỉ là vùng đất biên cương có địa hình hiểm trở mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa và lịch sử từ thời dựng nước.
Ngay từ thời Hồng Bàng, cư dân Việt cổ đã cư trú tại vùng đất Cao Bằng, minh chứng qua nhiều di chỉ khảo cổ như Hồng Việt (Hòa An), Cần Yên (Thông Nông)... Đến thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), Cao Bằng từng là một phần của thừa tuyên Thái Nguyên, sau đổi thành thừa tuyên Ninh Sóc rồi lại trở về tên cũ. Năm 1499, nhà Lê chính thức tách Cao Bằng thành một trấn riêng, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử hành chính khi lần đầu tiên Cao Bằng được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của triều đình Trung ương.
Giai đoạn nhà Mạc (1592–1677), Cao Bằng từng là trung tâm cát cứ, nơi đặt đô của nhà Mạc ở vùng biên. Sau khi nhà Lê trung hưng đánh bại nhà Mạc, trấn Cao Bằng được khôi phục, có cơ cấu hành chính tương đối ổn định với 1 phủ, 4 châu, trấn lỵ đặt tại Hòa An.
Thời Pháp thuộc, Cao Bằng từng là quân khu, sau chuyển thành Đạo quan binh. Đạo quan binh 2 có thủ phủ tại Cao Bằng, bao gồm nhiều châu và đồn binh quan trọng. Năm 1906, Pháp phân cấp lại các đạo quan binh về tài chính dưới quyền Thống sứ Bắc Kỳ và đến 1908 thì thực hiện cơ cấu tương đương cấp tỉnh.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bãi bỏ cấp phủ, đạo, châu. Cao Bằng trở thành tỉnh trực thuộc Trung ương gồm 11 huyện và thị xã. Năm 1956, tỉnh được sáp nhập vào Khu tự trị Việt Bắc, sau đó đến năm 1975 sáp nhập với Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng. Tuy nhiên, đến năm 1978, tỉnh Cao Bằng được tái lập.
Hiện nay, Cao Bằng có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 12 huyện), 199 xã, phường, thị trấn và 46 xã biên giới. Đây là tỉnh có mật độ cư dân thấp, phần lớn là đồng bào dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao...
Tại sao Cao Bằng không thuộc diện sáp nhập?
Mặc dù không đạt tiêu chuẩn diện tích (chỉ đạt khoảng 83,8% chuẩn tối thiểu), tỉnh Cao Bằng vẫn không bị sáp nhập trong Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh mới đây.

Theo Chính phủ, việc giữ nguyên địa giới hành chính tỉnh Cao Bằng xuất phát từ những lý do đặc biệt:
- Có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh, không thuận tiện để quản lý nếu mở rộng đơn vị hành chính.
- Cơ cấu dân cư đặc thù, với gần 95% là người dân tộc thiểu số, cần được quản lý, hỗ trợ phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội riêng.
- Vị trí quốc phòng – an ninh trọng yếu, giáp Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu quốc tế và quốc gia, đóng vai trò bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia.
- Không có tỉnh lân cận nào phù hợp để sáp nhập: Hà Giang đã dự kiến sáp nhập với Tuyên Quang; Bắc Kạn dự kiến sáp nhập với Thái Nguyên; Lạng Sơn đã đạt đủ chuẩn và nếu gộp thêm Cao Bằng sẽ gây khó khăn cho quốc phòng, an ninh vùng biên.
Chính phủ khẳng định quyết định giữ nguyên tỉnh Cao Bằng là một lựa chọn cân nhắc kỹ lưỡng về địa chính trị, văn hóa và an ninh quốc phòng, không thuần túy dựa trên các tiêu chí diện tích hoặc dân số.