Bất động sản Điện lực Miền Trung (LEC) đối diện loạt cảnh báo từ kiểm toán
Mùa báo cáo tài chính, LEC đối diện loạt cảnh báo từ kiểm toán, bao gồm dự án chậm tiến độ, lỗ kéo dài, nợ thuế chưa trả, công ty con bị cưỡng chế hóa đơn…
Công ty CP Bất động sản Điện lực Miền Trung (HOSE: LEC) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM giải trình các ý kiến ngoại trừ và vấn đề cần nhấn mạnh trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024, được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC.
Chi phí lãi vay ghi nhận chưa phù hợp quy định kế toán
Theo kiểm toán AASC, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ánh Dương Hòa Bình (trước là công ty con, hiện là công ty liên kết với LEC từ ngày 26/6/2024) đã ghi nhận chi phí lãi vay dùng để thanh toán tiền nhận chuyển nhượng 21 căn hộ thuộc tòa D của tổ hợp dự án Ánh Dương Soleil Đà Nẵng vào chỉ tiêu “Chi phí trả trước dài hạn” thay vì phải ghi nhận vào “Chi phí tài chính” như quy định.
Cụ thể, lãi vay phát sinh trước năm 2023 là 3,7 tỷ đồng; lãi vay phát sinh năm 2023 là 6,26 tỷ đồng; lãi vay phát sinh năm 2024 là 4,57 tỷ đồng.
Nếu hạch toán đúng, chỉ tiêu “Chi phí tài chính” năm 2024 và năm 2023 sẽ tăng lên lần lượt là 4,5 tỷ đồng và hưn 6,2 tỷ đồng, trong khi “Chi phí trả trước dài hạn” sẽ giảm 9,96 tỷ đồng. Và các chỉ tiêu khác có liên quan trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
LEC giải trình rằng đây là khoản lãi vay trả cho LienVietPostBank (nay là Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam) của Công ty con cấp 2 - Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ánh Dương Hòa Bình liên quan đến khoản vay vốn để nhận chuyển nhượng 21 căn nhà thuộc tòa D tổ hợp dự án Ánh Dương Soleil Đà Nẵng.
LEC cho rằng, việc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ánh Dương Hòa Bình nhận chuyển nhượng 21 căn nhà thuộc tòa D tổ hợp dự án Ánh Dương Soleil Đà Nẵng là việc đầu tư dài hạn, đã được ghi nhận tại chỉ tiêu Tài sản dở dang dài hạn trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 1/1/2024 và hiện nay 21 căn nhà này cũng đang trong quá trình được bên bán bàn giao cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ánh Dương Hòa Bình.
Vì vậy, chi phí lãi vay phát sinh trong thời kỳ này (bao gồm chi phí lãi vay phát sinh đến ngày 1/1/2024 là 9,96 tỷ đồng và chi phí lãi vay phát sinh trong năm 2024 là 4,5 tỷ đồng) nên được giữ lại để phân bổ vào giá trị hình thành nên tài sản dài hạn 21 căn nhà thuộc tòa D tổ hợp dự án Ánh Dương Soleil Đà Nẵng. Tuy nhiên, LEC vẫn chấp nhận ý kiến ngoại trừ của bên kiểm toán AASC.

Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán AASC cũng chỉ ra, tại ngày 1/1/2024 và 31/12/2024, Công ty chưa thực hiện trích lập bổ sung dự phòng phải thu khó đòi đối với các khoản phải thu của khách hàng, phải thu khác và trả trước cho người bán.
Với những thông tin hiện có và bằng các thủ tục kiểm toán thay thế, kiểm toán không thể xác định được mức độ ảnh hưởng của vấn đề này do thiếu thông tin đầy đủ.
LEC giải trình, tại ngày 1/1/2024 và 31/12/2024, LEC đã thực hiện đánh giá khả năng thu hồi đối với tất cả các khoản phải thu của khách hàng, các phải thu khác và trả trước cho người bán có thời gian nợ trên 12 tháng và nhận thấy các khoản phải thu này đều có khả năng thu hồi.
Vì vậy, công ty này chưa thực hiện trích lập bổ sung dự phòng phải thu khó đòi đối với các khoản phải thu của khách hàng, phải thu khác và trả trước cho người bán này.
Dự án trọng điểm chậm tiến độ, tồn tại yếu tố nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Mục vấn đề cần nhấn mạnh của kiểm toán nêu: “Tại thời điểm 31/12/2024, Công ty đang tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính cùng tham gia đầu tư Giai đoạn 2,3 của dự án Khu phức hợp EVN-Land Central Đà Nẵng; đồng thời Công ty chưa thực hiện đánh giá tổn thất có liên quan đến dự án (nếu có) do chưa đảm bảo đúng tiến độ theo Giấy chứng nhận đầu tư.
Những sự kiện này cùng các vấn đề được nêu ở Thuyết minh số 1 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2024 của công ty vẫn được trình bày trên cơ sở giả định về khả năng hoạt động liên tục”.

Giải trình về vấn đề cần nhấn mạnh của kiểm toán, Công ty LEC cho biết dự án Khu phức hợp EVN-Land Central Đà Nẵng được UBND TP. Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 1/10/2009, chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Gồm 1 khối căn hộ cao 16 tầng, tiến độ thực hiện từ quý II/2010 đến quý IV/2012.
Giai đoạn 2 và 3: Bao gồm 1 khối khách sạn và 1 khối căn hộ, tiến độ thực hiện từ quý I/2014 đến quý IV/2018.
Tuy nhiên, do thị trường bất động sản khó khăn và ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020–2021, việc triển khai giai đoạn tiếp theo bị chậm tiến độ. Trong thời gian đó, LEC đã xin chủ trương đầu tư tạm sân bóng mini trên phần đất giai đoạn 2 và được chấp thuận (thời hạn 5 năm hoạt động).
Hiện tại, LEC đang chuẩn bị cho việc tái khởi động giai đoạn 2 và 3 trong năm 2025 thông qua việc tìm kiếm nguồn vốn, điều chỉnh dự án đầu tư, khảo sát địa chất và lựa chọn nhà thầu thiết kế.
Về tình hình tài chính, theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024, tại ngày 31/12/2024, các khoản nợ phải thu ngắn hạn chiếm 69,52% tổng tài sản (tương ứng tại ngày 1/1/2024 là 75,36%); nợ phải thu gấp 1,9 lần doanh thu; nợ phải trả gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu; đồng thời công ty lỗ 2 năm liên tiếp và chưa đánh giá tổn thất dự án, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Đồng thời, giai đoạn 2 và 3 của dự án Khu phức hợp EVN-Land Central chưa đảm bảo đúng tiến độ theo Giấy chứng nhận đầu tư và đang chờ phê duyệt đối tác có đủ năng lực tài chính để cùng tham gia đầu tư, xây dựng dự án.
Công ty cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty và các công ty con hiện vẫn diễn ra bình thường và không bị gián đoạn. Tuy nhiên, LEC vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Kết quả hợp nhất của công ty cũng bị lỗ từ năm 2022 đến năm 2024 đã gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của công ty.
Dù vậy, công ty khẳng định vẫn đảm bảo trả nợ đúng hạn, không có khoản vay quá hạn. Ban điều hành đang thận trọng tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính để cùng triển khai dự án, đồng thời nỗ lực khai thác thêm nguồn thu mới để kỳ vọng có lãi trong năm 2025.
Công ty con bị cưỡng chế hóa đơn vì nợ thuế
Vấn đề khác công ty kiểm toán chỉ ra là “Trong năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2024, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng P&P (Công ty con của công ty) đang trong giai đoạn áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn do có số tiền thuế quá hạn phải nộp theo quyết định của Chi cục thuế quận Tây Hồ. Tại thời điểm phát hành báo cáo này, việc cưỡng chế vẫn đang được thi hành”.
Theo giải trình của LEC, tại thời điểm 31/12/2024, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng P&P vẫn đang nợ tiền thuế TNDN là 3,6 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp thuế là 1,4 tỷ đồng.
Nguyên nhân được đưa ra là do tình hình tài chính của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng P&P vẫn còn khó khăn vì vậy bị áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn theo quyết định của Chi cục thuế quận Tây Hồ.
LEC nhấn mạnh, hiện công ty con này đã trả được một phần số tiền thuế còn nợ và đang nỗ lực để trả hết số tiền thuế còn lại trong quý II/2025.