Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn mới
Động thái thuế quan mới của Mỹ tạo cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng kéo theo áp lực cạnh tranh lớn. TS. Nguyễn Minh Phong cảnh báo, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó, không thể trông chờ vào một kịch bản chung.
Bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu đang biến động phức tạp và khó lường với tốc độ chưa từng thấy khi Mỹ tuyên bố tạm hoãn áp thuế với hơn 75 quốc gia trong khi lại siết chặt chính sách thuế đối với Trung Quốc. TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế nhận định việc hoãn áp thuế được thế giới chờ đợi nhiều, vì đã có tới hơn 70 quốc gia liên hệ đàm phán với Mỹ.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong đưa ra phân tích, việc Mỹ chấp thuận đàm phán với hàng chục quốc gia thể hiện rõ chủ trương của Mỹ là xây dựng một chính sách thuế riêng biệt, linh hoạt với từng quốc gia, phù hợp với lợi ích của Mỹ, thay vì áp dụng một chính sách chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đây là một trong những động thái mới phù hợp với chiến lược của Mỹ và cũng phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia bị Mỹ áp thuế nói chung và Việt Nam nói riêng.
Việc có hơn 70 quốc gia liên hệ đàm phán với Mỹ cho thấy mức độ kỳ vọng và quan tâm rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Động thái hoãn thuế lần này là kết quả của nỗ lực đàm phán, thể hiện thiện chí của Mỹ với các đối tác không phải là Trung Quốc.
Còn với Trung Quốc từ đầu đã thể hiện lập trường cứng rắn, áp mức thuế lên tới 85% đối với hàng hóa Mỹ. Trong bối cảnh hai nước vốn đã có lịch sử căng thẳng thương mại kéo dài, lần này Mỹ chọn cách tạm thời hòa hoãn với phần còn lại của thế giới để tập trung toàn lực đối đầu với Trung Quốc. Đây rõ ràng là một diễn biến không tốt cho Trung Quốc.
Trước tình hình này, ông Phong cũng bày tỏ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Cụ thể, trong khi phần lớn các hoạt động thương mại toàn cầu vẫn tiếp diễn bình thường, thì những mắt xích liên quan đến Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực gia tăng từ phía Mỹ. Với Việt Nam, điều này mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đan xen.
Về mặt tích cực, việc Mỹ tạm thời hòa hoãn với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để dòng vốn đầu tư, chuỗi cung ứng, các mối quan hệ sản xuất và thương mại dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, tìm đến các điểm đến thay thế như Việt Nam. Đây là cơ hội để nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, không thể xem nhẹ rủi ro. Khi bị hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ chuyển hướng xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa sang các thị trường khác, trong đó bao gồm nhiều thị trường mà Việt Nam cũng đang nhắm tới. Điều này đồng nghĩa với việc hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp, khốc liệt hơn với hàng Trung Quốc, đặc biệt trong các sản phẩm tương đồng.
Nói cách khác, Việt Nam có thể gia tăng lợi thế khi xuất khẩu sang Mỹ, nhưng đồng thời sẽ mất dần ưu thế tại một số thị trường thứ ba.
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế
Trong bối cảnh chính sách thuế của Mỹ có sự điều chỉnh rõ rệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó từ sớm. Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, càng củng cố thêm tính phù hợp cho những chiến lược mà doanh nghiệp đã và đang triển khai.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, không thể trông chờ vào một giải pháp chung cho tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam. Thay vào đó, mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ năng lực, mục tiêu cụ thể của mình để xây dựng phương hướng phát triển phù hợp.
Nguyên tắc cốt lõi là phải bám sát diễn biến chính sách của Mỹ, đồng thời tận dụng lợi thế nội tại và vị thế quốc gia để đưa ra kịch bản hành động tương ứng theo ba cấp độ: tốt nhất, xấu nhất và trung bình. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp phản ứng linh hoạt với thị trường và các thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu.
Bên cạnh nỗ lực từ phía doanh nghiệp, chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ. Tăng cường đồng thuận chính sách, nâng cao năng lực đàm phán và mở rộng thị trường trong nước lẫn quốc tế chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trong giai đoạn mới đầy biến động.