Thuế - Bảo hiểm

Quy định mới về thang lương, bảng lương trong doanh nghiệp Nhà nước từ 15/4

Sơn Tùng 14/04/2025 13:50

Nghị định 44/2025/NĐ-CP quy định rõ về thang lương, bảng lương trong doanh nghiệp Nhà nước, trao quyền tự chủ cho DN và đảm bảo quyền lợi người lao động.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 44/2025/NĐ-CP quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong các doanh nghiệp Nhà nước. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4/2025.

tiền lương
Thực hiện quy định mới về bảng lương trong doanh nghiệp Nhà nước từ 15/4

Nghị định áp dụng đối với nhiều nhóm đối tượng, bao gồm người lao động làm việc theo hợp đồng, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu. Bên cạnh đó, các chức danh quản lý như Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh.

Theo quy định mới, doanh nghiệp Nhà nước được trao quyền chủ động trong việc xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương cho người lao động cũng như bảng lương riêng cho ban điều hành và thành viên hội đồng quản trị, kiểm soát viên chuyên trách. Việc xây dựng các chính sách này sẽ căn cứ vào cơ cấu tổ chức quản lý, tổ chức lao động và tổ chức sản xuất của từng đơn vị.

Dù được tự chủ trong xác định mức lương, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo tổng quỹ tiền lương cho người lao động và ban lãnh đạo không vượt quá mức kế hoạch đã được phê duyệt. Riêng tiền lương của Tổng Giám đốc, Giám đốc không được vượt quá giới hạn quy định của Nhà nước.

Một điểm đáng chú ý là trước khi ban hành hoặc sửa đổi các chính sách liên quan đến thang lương, bảng lương và phụ cấp lương, doanh nghiệp có trách nhiệm tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động, đồng thời tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định pháp luật hiện hành. Các nội dung này cần được công khai minh bạch trong nội bộ doanh nghiệp trước khi áp dụng.

Việc phê duyệt các bảng lương của thành viên hội đồng và kiểm soát viên chuyên trách trong doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sẽ do cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, chấp thuận. Với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết, cơ quan chủ quản có trách nhiệm cho ý kiến trước khi thực hiện.

Đối với lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu, chính sách lương vẫn được áp dụng theo quy định riêng của Chính phủ, bao gồm các bảng lương và chế độ phụ cấp đặc thù dành cho nhóm đối tượng này.

Nghị định 44/2025/NĐ-CP không chỉ góp phần chuẩn hóa hệ thống tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước, mà còn mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Đây được xem là một trong những bước cải cách cần thiết để doanh nghiệp Nhà nước nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Sơn Tùng