Chuyển động

PNJ muốn giảm vốn điều lệ thông qua mua lại cổ phiếu

Thu Hà 11/04/2025 17:33

PNJ – “ông lớn” ngành bán lẻ trang sức muốn trình cổ đông phương án mua lại tối đa 8 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ.

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) dự kiến trình cổ đông kế hoạch mua lại tối đa 8 triệu cổ phiếu tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, diễn ra vào ngày 31/5 tới. Đây là nội dung mới được bổ sung vào chương trình đại hội, theo nghị quyết số 144/2025/NQ-HĐQT-CTY được ban hành ngày 10/4.

Sau năm Số cổ phiếu mua lại tương đương khoảng 2,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Nguồn vốn thực hiện sẽ được Hội đồng Quản trị quyết định dựa trên ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông, có thể trích từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu khác.
PNJ cho biết vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống phân phối và tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng trong năm 2025

Số cổ phiếu mua lại tương đương khoảng 2,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Nguồn vốn thực hiện sẽ được Hội đồng Quản trị quyết định dựa trên ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông, có thể trích từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu khác.

Giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, sau khi công ty hoàn tất các thủ tục pháp lý và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ.

Song song với kế hoạch mua cổ phiếu, PNJ cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án giảm vốn điều lệ tương ứng với số lượng cổ phiếu được mua lại.

Ngoài ra, công ty dự kiến phát hành hơn 3,2 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP với giá ưu đãi 20.000 đồng/cổ phiếu, dành cho đội ngũ lãnh đạo và nhân sự chủ chốt, tương ứng khoảng 0,96% tổng lượng cổ phiếu lưu hành.

Về kế hoạch kinh doanh, sau một năm 2024 đạt đỉnh về lợi nhuận, ban lãnh đạo PNJ cho biết sẽ chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu đạt 31.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.960 tỷ đồng. Các con số này lần lượt giảm 17% và 7% so với kết quả thực hiện năm trước.

Lý giải về sự điều chỉnh, lãnh đạo công ty cho rằng ngành hàng xa xỉ nói chung và vàng trang sức nói riêng đang gặp nhiều thách thức kép. Giá vàng leo thang khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi sức mua suy yếu do môi trường kinh tế chưa phục hồi rõ nét.

Trong bối cảnh đó, PNJ vẫn duy trì chính sách cổ tức tiền mặt ổn định với tỷ lệ 20% cho cả năm 2024 và năm 2025, thể hiện nỗ lực bảo đảm lợi ích cho cổ đông.

Dù thận trọng với chỉ tiêu tài chính, PNJ vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống phân phối và tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng. Năm 2024, công ty đã mở thêm 41 cửa hàng mới, nâng tổng số điểm bán lên 429 trên toàn quốc. Các mô hình cửa hàng được thiết kế linh hoạt theo quy mô, vị trí và phong cách thương hiệu để phù hợp với từng nhóm khách hàng mục tiêu.

Doanh nghiệp cũng tích cực đầu tư vào nền tảng công nghệ, sử dụng dữ liệu lớn để phân tích hành vi người tiêu dùng và xu hướng thị trường. Nhờ vậy, mảng bán lẻ – gồm trang sức và vàng 24K – tăng trưởng 13,4%, còn mảng bán sỉ tăng tới 34,6% trong năm qua.

PNJ nhận định, thị trường trang sức Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Theo Hiệp hội Vàng Thế giới (WGC), năm 2024, mức tiêu dùng vàng trang sức bình quân tại Việt Nam là 0,13 gr/người – thấp hơn đáng kể so với các quốc gia như Mỹ (0,38 gr), Trung Quốc (0,36 gr) hay Singapore (1,17 gr). Đây chính là dư địa mà công ty đang nhắm tới, thông qua việc nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hoá chuỗi phân phối.

Tính đến thời điểm 15h45 ngày 11/4, giá vàng miếng SJC trong nước đã vọt tăng lên mức 102,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 105,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong phiên, có thời điểm giá vàng đã tăng lên mức 103,4 - 106,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay.

Việc PNJ muốn giảm vốn điều lệ trong lúc giá vàng lập đỉnh được đánh giá là bước đi chủ động nhằm “thu gọn quy mô sổ sách”, ứng phó với giai đoạn kinh doanh dự báo nhiều thách thức. Về lý thuyết, giá vàng tăng có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, với PNJ – nơi phần lớn doanh thu đến từ vàng trang sức – thì giá nguyên liệu đầu vào leo thang lại trở thành áp lực lớn, kéo giảm biên lợi nhuận thay vì thúc đẩy tăng trưởng.

Thu Hà