Chính sách - Đầu tư

Đà Nẵng và hành trình chuyển mình thành điểm nóng đầu tư (Bài 4): Lực hút từ đòn bẩy tài khóa và cải cách hành chính

Cao Thái 11/04/2025 16:50

Chính sách tài khóa, nỗ lực cải cách hành chính là đòn bẩy giúp Đà Nẵng thu hút nguồn vốn đầu tư trong những năm qua.

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã tích cực triển khai đồng bộ các chính sách tài khóa và cải cách hành chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Đây được xem là những đòn bẩy quan trọng giúp thành phố ngày càng khẳng định vai trò trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và vươn tầm khu vực ASEAN.

Chính sách tài khóa linh hoạt, sát thực tiễn

Trong giai đoạn vừa qua, TP Đà Nẵng triển khai nhiều chính sách tài khóa nổi bật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Một trong những điểm nhấn là đề xuất xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế với quy mô khu vực, áp dụng Luật thông lệ Anh và thí điểm giao dịch tài sản mã hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tài chính hiện đại.

Trước những khó khăn do dịch bệnh và biến động kinh tế toàn cầu, Đà Nẵng đã thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ tài chính thiết thực. Trong năm 2022, thành phố giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 207 tỷ đồng. Năm 2023, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, với tổng giá trị gia hạn lên đến 1.399 tỷ đồng.

z6436278994279_d1535725e1e2e32e1c92ce433a605552(1).jpg
TP Đà Nẵng triển khai nhiều chính sách tài khóa nổi bật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Ảnh: Nguyễn Trình

Bên cạnh đó, thành phố áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất VAT trong năm 2022, giúp tiết kiệm khoảng 2.530 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân. Riêng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn được điều chỉnh, hỗ trợ thêm 513 tỷ đồng. Ngoài ra, Đà Nẵng đã quyết toán hơn 61 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, góp phần ổn định thị trường lao động sau dịch.

Thành phố cũng triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, 12 doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ với kinh phí 1,29 tỷ đồng, 27 tổ chức, cá nhân được hỗ trợ đăng ký sáng chế và ươm tạo khởi nghiệp nhận tổng cộng hơn 1,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, Đà Nẵng là một trong những địa phương triển khai sớm chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước cho các khoản vay doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tính đến cuối năm 2023, doanh số cho vay đạt 3.252 tỷ đồng, với dư nợ 851 tỷ đồng và số tiền đã hỗ trợ đạt 17,76 tỷ đồng cho 90 khách hàng.

Đà Nẵng nên tập trung mạnh hơn về lĩnh vực tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI); nhu cầu máy móc hiện đại trong ngành may mặc là rất lớn và các doanh nghiệp ASEAN hoàn toàn có thể đóng vai trò đối tác công nghệ quan trọng với Đà Nẵng.

Ông Low Zi Keat, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Whitex (Việt Nam)

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đề xuất các chính sách đặc thù để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực trọng điểm như tổ hợp Trung tâm tài chính, công viên chuyên đề vui chơi giải trí, dịch vụ hậu cần cảng biển Liên Chiểu, khu phi thuế quan kết hợp đô thị thông minh, khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch tích hợp, pin công nghệ mới, công nghệ sinh học, tự động hóa, năng lượng sạch và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Cùng với vị trí chiến lược, những linh hoạt trong chính sách tài khóa và điều hành của Đà Nẵng đã mang về 'trái ngọt' trong thu hút đầu tư. Đà Nẵng đã từng bước định vị là điểm đến đầu tư hiệu quả, an toàn cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI.

Tại sự kiện 'Gặp gỡ ASEAN tại Đà Nẵng 2025' đang diễn ra (từ 9-11/4), hàng loạt quan khách và các doanh nghiệp Đông Nam Á có mặt tại thành phố ven sông Hàn đã đánh giá cao môi trường đầu tư của Đà Nẵng.

Ông Khor Kar Buan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Massda Land, sau gần 20 năm hoạt động tại các khu công nghiệp Đà Nẵng, bày tỏ ấn tượng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố. Ông đề xuất chính quyền tiếp tục duy trì tăng cường hỗ trợ, tương tác với nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Đồng quan điểm, ông Low Zi Keat, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Whitex (Việt Nam), nhận định Đà Nẵng có tiềm năng lớn trong sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt khi cảng Liên Chiểu hoàn thành sẽ thúc đẩy giao thương quốc tế. Bên cạnh việc đánh giá cao môi trường đầu tư của thành phố, ông kiến nghị thành phố nên chú trọng đầu tư vào lĩnh vực tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, đáp ứng nhu cầu máy móc hiện đại của ngành may mặc và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong khu vực ASEAN.

Cải cách hành chính – nền tảng cho môi trường đầu tư hấp dẫn

Cùng với chính sách tài khóa linh hoạt, Đà Nẵng chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư. Thành phố đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính, từ đó rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài nhằm hiện đại hóa bộ máy nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.​

Một trong những điểm nổi bật là việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Hiện nay, 100% TTHC đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Thành phố cũng đã số hóa toàn bộ hồ sơ giải quyết TTHC mới phát sinh, giúp người dân và doanh nghiệp không phải nộp lại giấy tờ đã có. Các tiện ích như đặt lịch hẹn qua Tổng đài 1022, tra cứu TTHC bằng mã QR tại bộ phận “Một cửa”, và sử dụng phần mềm khảo sát mức độ hài lòng tự động bằng AI Autocall đã được triển khai rộng rãi. ​

z6494365232530_e6a60db49d959e933b9fbfc542380588(1).jpg
Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng luôn chú trọng và quyết liệt thực hiện cải cách hành chính nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Về cải cách thể chế, các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng, ban hành và rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ. Cán bộ làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành được bồi dưỡng nghiệp vụ, bảo đảm các văn bản pháp luật được hệ thống hóa và áp dụng hiệu quả.

Trong lĩnh vực cải cách công vụ, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố ban hành quy định đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức dựa trên hiệu quả công việc. Quy định này làm cơ sở để triển khai chi thu nhập tăng thêm theo kết quả làm việc, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.

Kết quả của những nỗ lực này được thể hiện qua các chỉ số đánh giá. Năm 2023, Đà Nẵng đạt Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) 88,68%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) đạt 83,38%, tăng 12 bậc so với năm trước. ​

Mục tiêu đến năm 2025, thành phố đặt ra việc đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp trên địa bàn. Đồng thời, ít nhất 20% đơn vị sự nghiệp công lập phải tự bảo đảm chi thường xuyên, và 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế hoặc khác có điều kiện sẽ chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc tự chủ tài chính hoàn toàn. ​

Nỗ lực cải cách hành chính của thành phố ven sông Hàn đã hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.​ Trong quý I/2025, Đà Nẵng đã thu hút hơn 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và gần 34 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, thành phố đã cấp mới 17 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,23 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án FDI với tổng vốn tăng thêm 0,45 triệu USD. Đối với đầu tư trong nước, Đà Nẵng cấp mới 5 dự án với tổng vốn đăng ký 4.769 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án với tổng vốn tăng thêm 3.471,32 tỷ đồng.

Yếu tố quan trọng nhất khi 'lót ổ' đón doanh nghiệp đến đầu tư là thủ tục hành chính nhanh gọn, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư.

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách và chương trình cụ thể. Giai đoạn 2021-2024, thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho 149 lượt doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ thông qua các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ . Cục Hải quan Đà Nẵng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Những nỗ lực này đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng. Thành phố tiếp tục xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Cao Thái