Đất & Người

Lịch sử hình thành và sáp nhập của vùng đất được ví như "Việt Nam thu nhỏ", có kỳ quan "bậc nhất" được thế giới ngưỡng mộ

Tuấn Anh 11/04/2025 5:30

Được hình thành từ sáp nhập tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng, có vị trí đặc biệt cùng lợi thế về thiên nhiên khiến nơi đây rất phát triển về kinh tế.

Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ. Tỉnh này được mệnh danh là "Việt Nam thu nhỏ" khi có đủ các loại địa hình từ vùng núi, trung du, đồng bằng ven biển, biển và hải đảo.

Trước đây, tỉnh Quảng Ninh chủ yếu dựa vào việc khai thác than đá, nhưng nhiều năm trở lại đây, Quảng Ninh vươn lên như một điểm đến ấn tượng, trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam và khu vực.

Nhắc đến du lịch Quảng Ninh, du khách sẽ nhớ ngay đến một trong những kỳ quan thiên nhiên “vĩ đại” nhất thế giới, đó chính là vịnh Hạ Long.

Hành trình sáp nhập hình thành tỉnh Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh hôm nay là kết quả của một quá trình sáp nhập hành chính kéo dài, phản ánh vai trò đặc biệt của vùng đất này trong cả lịch sử, địa chính trị và phát triển kinh tế. Với trữ lượng than đá chiếm 90% cả nước và nguồn lợi từ rừng, biển dồi dào, Quảng Ninh không chỉ là "thủ phủ than" mà còn là vùng đất chiến lược quan trọng tại Đông Bắc Việt Nam.

Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh từng nhiều lần sáp nhập rồi chia tách trong lịch sử

Từ cuối thế kỷ XIX, vùng đất này đã lọt vào tầm ngắm của thực dân Pháp vì vị trí quân sự và tài nguyên phong phú. Sau khi chiếm đóng, Pháp lần lượt thành lập các công ty khai thác than, phân chia địa giới hành chính, biến Hòn Gai và Cẩm Phả thành "vùng đất nhượng" với bộ máy riêng biệt. Trong giai đoạn đó, khu mỏ được chia thành ba vùng: tỉnh Quảng Yên, tỉnh Hải Ninh và đặc khu Hòn Gai.

Các mốc sáp nhập tạo nên Quảng Ninh ngày nay

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, địa bàn Quảng Ninh gồm 3 tỉnh riêng biệt. Đến năm 1947, đặc khu Hòn Gai được sáp nhập vào tỉnh Quảng Yên để thành lập liên tỉnh Quảng Hồng. Tuy nhiên, việc tổ chức này kéo dài không lâu khi năm 1948, khu mỏ lại được tách ra thành khu đặc biệt Hòn Gai.

hòn trống mái Hạ Long
Hòn trống mái đã trở thành biểu tượng khi du khách đến với Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh

Mãi đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 22/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hợp nhất tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai thành khu Hồng Quảng. Đến tháng 10/1963, theo nguyện vọng của nhân dân và quyết định của Bộ Chính trị, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh chính thức được sáp nhập thành tỉnh Quảng Ninh. Tên gọi do chính Bác Hồ đặt, ghép từ hai yếu tố "Quảng" (rộng lớn) và "Ninh" (yên bình, bền vững), hàm chứa khát vọng phát triển lâu dài và hài hòa.

Kinh tế Quảng Ninh 2024: Bền bỉ vượt khó

Sau sáu thập niên hình thành và phát triển, Quảng Ninh đã vươn mình thành trung tâm kinh tế phía Bắc. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 347,5 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người hơn 10.000 USD. Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 20,45%, trong khi du lịch phục hồi mạnh mẽ với 19 triệu lượt khách, mang về doanh thu gần 46.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỉnh cũng chịu thiệt hại nặng do bão số 3 gây ảnh hưởng đến hơn 28.000 tỷ đồng, tương đương giảm 0,65% GRDP toàn tỉnh. Dù vậy, Quảng Ninh vẫn giữ vững vị thế là một trong những địa phương năng động, có khả năng phục hồi và thích ứng nhanh nhất cả nước.

Việc hình thành tỉnh Quảng Ninh qua nhiều lần sáp nhập không chỉ là một quyết định hành chính đơn thuần, mà là sự khẳng định vai trò, vị trí chiến lược của vùng đất này trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như trong chiến lược phát triển quốc gia hiện nay.

Tuấn Anh