Góc nhìn

Kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục theo hình chữ V giống thời COVID-19 có thể là sai lầm

Cao Thái 11/04/2025 07:00

Nhà đầu tư nên tái cơ cấu danh mục, ưu tiên ngành ít ảnh hưởng bởi thương chiến và hưởng lợi từ động lực tăng trưởng trong nước.

Ngày 10/4, thị trường chứng khoán toàn cầu ‘bừng tỉnh’ sau khi Mỹ thông báo hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hàng loạt đối tác thương mại, ngoại trừ Trung Quốc – nơi mức thuế mới được nâng lên 125%. Chứng khoán Mỹ lập đỉnh phiên, Dow Jones tăng 7,9%, S&P500 tăng 9,5% – mức tăng mạnh nhất kể từ đại dịch COVID-19. Trong nước, phiên giao dịch 10/4 chứng kiến cú hồi phục mạnh mẽ nhất trong lịch sử VN-Index khi tăng tới 74,04 điểm (+6,77%) lên 1.168,34 điểm. Sắc tím phủ kín bảng điện tử, trong đó nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, hóa chất, công nghiệp.

vn11(1).jpg
Sắc tím bao phủ, VN - Index có cú hồi phục mạnh mẽ trong ngày 10/4

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chứng khoán Mbank (MBS), lệnh hoãn này chỉ mang tính chất “giảm sốc” tạm thời. Các ngành xuất khẩu như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, giấy, dây cáp điện… vẫn phải đối mặt với đơn hàng giảm và biên lợi nhuận thu hẹp nếu chiến tranh thương mại kéo dài. Ngược lại, đây là cơ hội để tái cơ cấu danh mục, tập trung vào những ngành ít chịu tác động từ thương chiến, nhưng lại được hưởng lợi nhờ các động lực nội địa.

Rủi ro tiềm ần từ thương chiến Mỹ - Trung

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu MBS nhận định, việc Mỹ áp thuế kỷ lục lên Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương mà còn gây ra những dư chấn lan rộng đến các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Với vai trò là một trong những mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam – vốn có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu – sẽ khó tránh khỏi những hệ quả gián tiếp từ sự xáo trộn trong dòng lưu chuyển hàng hóa và vốn đầu tư toàn cầu.

Định giá thị trường Việt Nam hiện đang ở mức thấp – với hệ số P/E dao động quanh mốc 10 lần – cho thấy mức hấp dẫn tương đối so với lịch sử và so với các thị trường trong khu vực. Điều này mở ra cơ hội cho nhà đầu tư trung – dài hạn tích lũy cổ
phiếu chất lượng ở vùng giá chiết khấu sâu.

Trong ngắn hạn, một số doanh nghiệp có thể được hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này từng xảy ra trong các đợt chiến tranh thương mại giai đoạn 2018–2020. Tuy nhiên, về dài hạn, nếu Trung Quốc quyết liệt phá giá đồng Nhân dân tệ hoặc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác để tiêu thụ hàng hóa tồn kho, Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh hơn, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ, điện tử, thép và thực phẩm chế biến.

Đối với thị trường chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư là yếu tố nhạy cảm với bất kỳ diễn biến nào từ các căng thẳng địa chính trị hay thương mại toàn cầu. Việc gia tăng rủi ro từ cuộc chiến thuế quan Mỹ–Trung có thể khiến dòng vốn ngoại chững lại hoặc rút ròng khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam, ảnh hưởng đến thanh khoản, chỉ số và định giá cổ phiếu. Đồng thời, kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị điều chỉnh giảm nếu phải đối mặt với cạnh tranh giá từ hàng hóa Trung Quốc.

Ba Tran Thi Khanh Hien - Giam doc nghien cuu Chung khoan MBBank
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc nghiên cứu Chứng khoán Mbank

Tuy nhiên, điểm tích cực là định giá thị trường Việt Nam hiện đang ở mức thấp – với hệ số P/E dao động quanh mốc 10 lần – cho thấy mức hấp dẫn tương đối so với lịch sử và so với các thị trường trong khu vực. Điều này mở ra cơ hội cho nhà đầu tư trung – dài hạn tích lũy cổ phiếu chất lượng ở vùng giá chiết khấu sâu. Dẫu vậy, việc đầu tư trong giai đoạn này đòi hỏi sự chọn lọc kỹ lưỡng và kiên nhẫn, đồng thời cần theo sát diễn biến chính sách từ Mỹ, Trung Quốc và các tổ chức thương mại quốc tế như WTO, nhằm đánh giá kịch bản dòng vốn và tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Nhà đầu tư nên ứng phó thế nào?

Thị trường chứng khoán Việt Nam từng trải qua nhiều lần sụt giảm sâu như khủng hoảng 2008, đại dịch Covid 2019 và sau đó đều phục hồi theo những cách khác nhau. Theo chuyên gia Trần Thị Khánh Hiền, nhà đầu tư không nên cứng nhắc dựa theo những kinh nghiệm có được từ những lần sụt giảm trong quá khứ. Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh bởi các yếu tố vĩ mô toàn cầu, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ–Trung, việc xác định chiến lược đầu tư phù hợp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một trong những thói quen phổ biến của nhà đầu tư là cố gắng “bắt đáy” cổ phiếu trong khi thị trường còn chưa xác lập xu hướng rõ ràng. Thay vào đó, chuyên gia này khuyến nghị nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, được chiết khấu mạnh so với giá trị nội tại và có khả năng phục hồi khi thị trường ổn định trở lại.

Định hướng đầu tư nên chuyển từ ngắn hạn sang trung – dài hạn, với nguyên tắc “go with the flow” – linh hoạt đi theo dòng tiền thị trường. Việc bám chặt các mô hình lịch sử hay kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục theo hình chữ V giống thời COVID-19 có thể là sai lầm, bởi bối cảnh hiện tại hoàn toàn khác biệt, chịu tác động từ nhiều yếu tố khó đoán định hơn, như địa chính trị, dịch chuyển chuỗi cung ứng và lãi suất toàn cầu.

Theo phân tích của MBS, các ngành ít bị ảnh hưởng, có cơ hội hồi phục gồm Bất động sản, Ngân hàng, Dầu khí, Xây dựng, Phân bón, Vật liệu xây dựng.

MBS khuyến nghị các nhóm nên tích lũy trung - dài hạn: Điện, Tiêu dùng thiết yếu, Chứng khoán, Hàng không, Bảo hiểm, Công nghệ viễn thông, Dược phẩm.

Chiến lược đầu tư phù hợp trong giai đoạn này là ưu tiên quản trị rủi ro, luôn duy trì một phần tiền mặt để linh hoạt giải ngân theo các nhịp điều chỉnh sâu. Ngoài ra, việc chọn lọc nhóm ngành có khả năng duy trì biên lợi nhuận tốt, ít bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh giá từ Trung Quốc cũng là hướng đi hợp lý. Các nhóm ngành như bán lẻ nội địa, năng lượng, công nghệ thông tin, và dịch vụ y tế có thể trở thành điểm sáng nếu được hỗ trợ từ chính sách tài khóa hoặc đầu tư công.

Đặc biệt, nhà đầu tư cá nhân cần học cách phản ứng nhanh khi thông tin thay đổi. Khi những tín hiệu hỗ trợ trước đây không còn đúng, cần sẵn sàng thay đổi chiến lược, thậm chí cắt lỗ để bảo toàn vốn, thay vì giữ tâm lý “chờ hồi”. Sự chủ động và linh hoạt sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và nắm bắt được cơ hội trong giai đoạn bất ổn như hiện nay.

Cao Thái