Chứng khoán

90 ngày "tạm lắng" thuế Mỹ: Doanh nghiệp và nhà đầu tư cần hành động ra sao?

Nhật Linh 10/04/2025 20:10

Ngay sau thông báo của Tổng thống Trump về việc hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày và áp dụng mức thuế 10% cho nhiều quốc gia, các chỉ số chứng khán toàn cầu đã tăng vọt, giải tỏa áp lực nặng nề cho nhà đầu tư trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, theo góc nhìn của các chuyên gia, dù tâm lý thị trường được kích thích mạnh mẽ, nhưng vẫn cần thận trọng trong quá trình đầu tư do còn những rủi ro tiềm ẩn.

Trưa ngày 09/4 theo giờ Mỹ, tức sau nửa ngày thuế đối ứng trước đó được áp dụng, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm mức thuế này xuống 10% với các nền kinh tế khác trừ Trung Quốc.

Donald Trump hoan thue doi ung
Tổng thống Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày

Trước thông báo trên, thị trường chứng khoán toàn cầu tràn ngập sắc xanh trong đó TTCK Việt Nam ghi nhận phiên giao dịch bùng nổ ngày 10.4 với chỉ số đại diện là VnIndex tăng 74 điểm.

Tuy sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường tạo cảm giác hưng phấn và mang lại kỳ vọng về một chu kỳ tăng trưởng mới, nhưng những biến động địa chính trị và chính sách từ các nền kinh tế lớn – đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc – vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Việc Mỹ giữ nguyên mức thuế cao 125% với Trung Quốc khiến căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường gia tăng, từ đó có thể tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng toàn cầu và dòng vốn đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh ấy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như chính phủ cần có những chiến lược ứng phó linh hoạt và kịp thời.

Nhận định về diễn biến thị trường ngay sau thông báo hoãn thuế được ông Trump công bố, ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Phân tích & Nghiên cứu VCBS cho rằng: “Trong lịch sử chứng khoán, từ thời kỳ mới mở cửa của thị trường tới nay cũng rất rất hiếm có phiên diễn biến như thế này".

tran-minh-hoang-3562.jpg
Ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Phân tích & Nghiên cứu VCBS

"Với thông tin thuế đối ứng được hoãn áp dụng trong 90 ngày, giảm mức thuế còn 10% với các nền kinh tế không trả đũa trong đó có Việt Nam cùng với những thông điệp khá rõ ràng về cơ hội đàm phán của Việt Nam cũng như các quốc gia với Mỹ đã mở ra một triển vọng với một cái nhìn tích cực hơn trên thị trường tài chính toàn cầu. Điều đó có thể thấy ngay trong phiên giao dịch hôm nay".

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của chính sách thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng lên các quốc gia, Giám đốc Phân tích & Nghiên cứu VCBS cho rằng với những ưu thế vượt trội, Việt Nam dễ bình ổn hơn so với các quốc gia khác trong bối cảnh căng thẳng về kinh tế tài chính và địa chính trị trên thế giới.

Cụ thể, Việt Nam là quốc gia có sự ổn định về mặt chính trị, vị trí địa lý thuận lợi dễ dàng giao thương với nhiều quốc gia, đồng thời đường lối ngoại giao trung lập nhưng mềm dẻo và linh hoạt của Việt Nam đã giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ hữu hảo với nhiều quốc gia lớn trên thế giới đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc trong tình hình hiện tại. Đây chính là điểm sáng giúp Việt Nam tận dụng chuỗi cung ứng và tiếp tục phát huy ưu thế, nâng cao vị thế của mình. Từ đó tạo nên kỳ vọng về sự tích cực của nền kinh tế Việt Nam sau đó là thị trường tài chính.

Về động thái căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung tác động tới Việt Nam, ông Hoàng cho biết: “Ở góc độ chung, đương nhiên căng thẳng giữa các quốc gia lớn đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc cơ bản sẽ tạo ra sự biến động trên thế giới, môi trường kinh doanh nói chung sẽ khó khăn hơn với các doanh nghiệp trên thế giới không chỉ với Việt Nam”. Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ, bên cạnh những rủi ro đem lại, doanh nghiệp nào nhìn ra tiềm năng và chớp được thời cơ hoặc những quốc gia nào nắm được cơ hội thì sẽ là một cú bứt phá rất lớn.

Và thực tế đã chứng minh, khi quay lại giai đoạn nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, rõ ràng căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung có thể có những tác động xấu nhất định tới Việt Nam nhưng bù lại chúng ta cũng có những hiệu ứng tích cực rất lớn như thu hút sản xuất chuyển dịch, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ về Việt Nam,..

Tựu chung lại, Việt Nam sẽ thường là một trong những nước mà theo Giám đốc Phân tích & Nghiên cứu VCBS đánh giá là được hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhưng với một điều kiện tiên quyết là Việt Nam vẫn giữ vững được trạng thái trung lập, khả năng thương thảo tốt, đa dạng hóa giao lưu với các nền kinh tế và thể hiện vai trò là điểm sáng trong chuỗi cung ứng.

Sang tới nhiệm kỳ này, khi là Tổng thống Mỹ, có vẻ Donald Trump đã trở nên khó đoán và có những bước đi khá “táo bạo”. Để chuẩn bị cho những biến động “khó lường” sắp tới, ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest cho rằng từ nhà đầu tư chứng khoán cho đến các doanh nghiệp đều phải bình tĩnh quan sát để hiểu rõ tình hình và có chiến lược sáng suốt.

Ong Vu Duy Khanh
Chuyên gia Vũ Duy Khánh: "Nhà đầu tư chứng khoán cho đến các doanh nghiệp đều phải bình tĩnh quan
sát để hiểu rõ tình hình và có chiến lược sáng suốt"

Trong thời gian sắp tới nếu thuế đối ứng được áp dụng trên toàn thế giới mà Trung Quốc vốn có nhiều ngành nghề cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ như dệt may, điện tử, sản xuất xăm lốp, đồ gỗ, nội thất,… thì cần chờ thêm phản ứng của Chính phủ như khả năng đàm phán, các gói hỗ trợ để đánh giá chi tiết tác động tới các ngành.

Ông Khánh cũng cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên tỷ trọng cao cho doanh nghiệp có doanh thu trong nước hoặc phân bổ vào các kênh đầu tư khác như vàng.

Về phía doanh nghiệp, ông Khánh nhận định cần phải chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam nên có các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá và tăng dự phòng tài chính. Đơn cử như Tập đoàn Hoà Phát đã thay đổi hình thức chi trả cổ tức 2024 sang toàn bộ hình thức cổ phiếu để dự trữ tiền mặt trước tình hình phức tạp sắp tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể dựa vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, từ đó chuyển dịch giao thương với nhiều nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro tập trung vào một thị trường.

Thứ hai, về chi phí sản xuất và lợi nhuận, doanh nghiệp Việt Nam nên tối ưu chuỗi cung ứng bằng cách tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào ngoài Trung Quốc để giảm thiểu sự phụ thuộc, tăng cường sản xuất và tiêu thụ nội địa. Bởi, Việt Nam đang trên đà phát triển, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các sản phẩm bán trong nội địa có biên lãi cao hơn so với xuất khẩu trong thời điểm hiện tại.

Thứ ba, về chiến lược kinh doanh dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn xanh. Thay vì gia công, Việt Nam nên tiến đến xây dựng thương hiệu Việt trên toàn cầu nhằm tránh rủi ro mất việc khi đối tác dịch chuyển sang các nước khác. Hơn nữa, ở bài toán dài hơi hơn, phía Việt Nam cũng có thể chuyển hướng đầu tư tại một số thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Indonesia để phân tán rủi ro tuy nhiên cần phải được tính toán kỹ càng về cả rủi ro và lợi nhuận.

Đối với Chính phủ, ông Khánh cho rằng Việt Nam sẽ có cuộc đàm phán với Mỹ nhưng trên cơ sở tối ưu nhất, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường đa dạng hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách linh hoạt để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước như giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chịu thuế đối ứng từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh ngắn hạn trước khi tìm được thị trường mới. Ngoài ra Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cải cách thể chế, tinh giảm thủ tục đầu tư và có chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ, ổn định tỷ giá nhưng không cố định tỷ giá.

Để lường trước các tác động tiềm tàng từ chính sách của Mỹ, Chính phủ cần thành lập nhóm chuyên gia phân tích, dự báo và mô phỏng để xây dựng kịch bản chủ động ứng phó trong mọi tình huống.

Nhận định về triển vọng kinh tế trong 3 tháng tới, ông Khánh cho rằng với việc hoãn thuế 90 ngày thì tỉ lệ xuất khẩu sẽ tăng mạnh trong quý 2 do nhiều doanh nghiệp sẽ nhập hàng sớm để chuẩn bị cho cả năm. Qua đó giúp giảm tác động tiêu cực lên GDP năm nay nếu có chính sách thuế quan mới của Mỹ đồng thời giúp doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các cú sốc ngoài dự kiến.

Đối với diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai gần, ông Khánh cho rằng thị trường đang ở trạng thái hấp dẫn về định giá. Tuy nhiên khi tiến vào vùng 1,250 -1,300 điểm, thị trường sẽ chịu áp lực không nhỏ.

Theo một chuyên gia chứng khoán, trong giai đoạn nhiều biến động như hiện tại việc ưu tiên quản lý danh mục là điều nhà đầu tư cần làm thay vì dùng đòn bẩy tối đa tìm lợi nhuận lớn.

Nhật Linh